Ông Ngọc cho biết, qua phân tích dữ liệu, phổ điểm thi THPT, những phòng có kết quả cao bất thường (9, 10 điểm) sẽ bị lập danh sách, đưa vào diện nghi vấn, gửi Thanh tra Bộ GD&ĐT.
Năm 2006, Hà Tây có hàng loạt Hội đồng thi điểm cao bất thường. Ví dụ THPT Chúc Động, THPT Lê Quý Đôn 1 có điểm trung bình các môn tự nhiên là 9,5, trường dân tộc nội trú tỉnh Hà Tây thậm chí “xuất sắc” giành toàn điểm 10. Có phòng thi 24 thí sinh thì 23 em được điểm 10. Tại hội đồng thi Phúc Thọ, phòng thi 26 có tới 24 em đạt điểm tối đa.
![]() |
Trao đổi bài sau buổi thi tốt nghiệp THPT 2006. Ảnh: Việt Anh. |
“Trường hợp này có thể nghi vấn là các em chép nguyên lời giải đưa từ ngoài vào. Tiêu cực xảy ra ở cả hội đồng chứ không riêng một phòng”, ông Ngọc khẳng định.
Ngoài việc phân tích phổ điểm THPT, Trung tâm tin học cũng sẽ đối chiếu điểm thi tốt nghiệp THPT và và tuyển sinh ĐH. Năm 2006, nhiều thí sinh thi tốt nghiệp THPT 9-10 điểm, nhưng thi ĐH lại chỉ được 1-2 điểm.
Kỳ tốt nghiệp THPT 2006, cả nước có 60 điểm 10 môn Văn thì Bến Tre chiếm 30 em. Số lượng thí sinh đạt trên 57 điểm (trung bình 9,5 điểm/môn), của Bà Rịa Vũng Tàu và Bến Tre cũng bỏ xa các địa phương khác trên cả nước. Cụ thể, Bến Tre có 5 thí sinh đạt 58,5 điểm; 3 thí sinh đạt 58 điểm; 5 thí sinh đạt 57,5 điểm và 18 thí sinh đạt 57 điểm.
Trong khi đó, địa phương có tỷ lệ đỗ đại học thuộc loại cao nhất nước là Hà Nội chỉ có 1 thí sinh đạt 58 điểm trong kỳ tốt nghiệp THPT 2006. Một số tỉnh có truyền thống khác, tỷ lệ thí sinh đạt trên 57 điểm trong kỳ tốt nghiệp cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tiến Dũng