Tại một số cửa hàng máy tính, laptop có dấu hiệu tăng giá từ đầu năm. Đại diện một đơn vị kinh doanh thiết bị di động tại Hà Nội cho biết, từ tháng 2, hãng Dell đã áp dụng giá mới trên một số mẫu máy, tăng khoảng 10 đến 100 USD so với trước đó. Máy tính của HP cũng tăng giá với các sản phẩm dòng Pavilion chạy chip thế hệ mới. Đến tháng 4, nhiều hãng laptop khác cũng đưa ra bảng giá mới. Điển hình như Acer, hãng có doanh số thuộc top đầu tại Việt Nam, tăng 5 đến 10% giá hầu hết sản phẩm.
Các mẫu máy như Nitro 5 AN515-55-5923, AN515-56-51N4 từng có giá 22 triệu đồng, được điều chỉnh lên 24 triệu đồng (tăng 9%), một số mẫu cao cấp hơn như AN515-57-5831/755P/7161, có giá từ 33 đến 46 triệu đồng, cũng đồng loạt tăng thêm 1 triệu đồng (tăng 2-3%). Một số sản phẩm chuẩn bị ra mắt cũng phải tăng giá niêm yết dự kiến.
Với các hãng khác, "việc tăng giá sẽ áp dụng cho các lô hàng mới. Những sản phẩm đã nhập về kho từ trước vẫn chưa bị điều chỉnh", Đức Tiến, đại diện cửa hàng máy tính An Phát tại Thái Hà (Hà Nội) chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng nếu người dùng có ý định mua laptop, nên tiến hành sớm, bởi hiện tại "cung đang không đáp ứng được cầu" nên sẽ giao động giá trong thời gian tới khi nguồn hàng trong kho ít dần đi.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, cho biết một số mẫu laptop có thể khan hàng trong vài tháng tới. Bên cạnh việc thiếu linh kiện, ông Huy cũng cho rằng, hàng hóa đang được ưu tiên cho thị trường châu Âu và châu Mỹ, nơi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và xu hướng học, làm việc online diễn ra cao. "Các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc đều đang quá tải, lượng sản phẩm sản xuất không đủ cung ứng cho các đơn đặt hàng. Từ nay đến đầu tháng 5, sẽ có rất ít laptop được nhập khẩu thêm về Việt Nam", ông Huy cho biết.
Việc laptop tăng giá đã được dự báo từ trước. Hồi cuối tháng 3, trang Gizchina đã dự báo hai hãng laptop Acer và Asus sẽ điều chỉnh giá từ 5 đến 10%, đồng thời cho rằng đây là đợt tăng giá đáng kể nhất của thị trường laptop 10 năm trở lại đây. Trang này dẫn lời một số nguồn tin trong ngành cho rằng dịch bệnh khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ tăng, nguồn cung chip không đủ đáp ứng, dẫn đến tăng giá chip và kéo theo là mức giá của các sản phẩm đầu cuối như laptop cũng tăng theo.
Gizchina dẫn lời Chen Junsheng - Chủ tịch của Acer, cho biết hãng hiện chỉ có thể đáp ứng được khoảng một phần ba số đơn hàng. Trong khi đó, Asus cũng có chênh lệch cung - cầu khoảng 25 đến 30%.
Toàn cầu đang đứng trước cuộc khủng hoảng về chip bán dẫn. Theo thống kê của Susquehanna, thời gian giao hàng - tính từ khi đặt mua đến khi chip thực sự được giao - tăng lên trung bình 15 tuần. Còn theo công ty sản xuất bán dẫn Broadcom, thời gian giao hàng của hãng đã tăng từ 12,2 tuần vào tháng 2/2020 lên 22,2 tuần năm nay.
Bên cạnh laptop, việc mua linh kiện máy tính, đặc biệt là card đồ họa ngày càng trở nên khó khăn. Nhiều mẫu card đồ họa tăng giá hàng chục triệu đồng, thậm chí card đồ họa đã qua sử dụng vẫn có thể bán được giá cao hơn giá mua ban đầu, do bị gom hàng để đào tiền điện tử. Thời điểm đầu năm, nhiều cửa hàng laptop ghi nhận doanh số tăng 600%.
Lưu Quý