Ông Nguyễn Quyết Thắng - người giữ bản quyền tác phẩm của cố tác giả Nguyễn Hiến Lê - và MCBooks có buổi giới thiệu tủ sách tại TP HCM, ngày 15/8.
Ông Thắng cho biết sinh thời, cố dịch giả là người rất tôn trọng bản quyền. Trong 120 cuốn sách dịch của Nguyễn Hiến Lê có nhiều sách toán học, sách dành cho thiếu nhi cùng nhiều tác phẩm lớn. Tất cả đều được ông xin phép trước khi chuyển ngữ. "Có tác giả tặng sách cho Nguyễn Hiến Lê dịch, có nhà xuất bản bán lại với một mức giá tượng trưng. Ông chưa bao giờ tùy ý làm mà không xin phép", ông Thắng nói.
Trước đây, nhiều nhà xuất bản tìm đến ông Thắng ngỏ ý mua bản quyền xuất bản sách Nguyễn Hiến Lê nhưng ông từ chối vì không muốn bản dịch bị cắt hay thêm bớt. "Theo công ước Bern cho phép tác giả được hưởng tác quyền đến suốt đời cộng thêm 50 năm sau đó. Tính đến nay Nguyễn Hiến Lê đã mất 30 năm. Còn sống đến khi nào, tôi còn nắm giữ bản quyền đến đó. Sau 20 năm nữa, tác phẩm của Hiến Lê sẽ dành cho mọi người, bất kỳ ai cũng có thể xuất bản", nhà văn bày tỏ.
Nhắc tới sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ đến hai tác phẩm Quẳng gánh lo đi và vui sống và Đắc nhân tâm của Dale Carnegie. Được Nhà xuất bản Phạm Văn Tươi ra mắt tại Việt Nam từ năm 1951, Đắc Nhân Tâm nhanh chóng gây chú ý và trở thành hiện tượng làng sách khi liên tục được tái bản. Tên Đắc nhân tâm cũng là cách dịch sáng tạo của Nguyễn Hiến Lê từ tên gốc tiếng Anh How to win friends and influence people.
Nhiều bản dịch về sau đã học tập ông cách sử dụng tên Đắc nhân tâm nhưng bản dịch của Nguyễn Hiến Lê luôn là bản dịch để lại dấu ấn trong lòng người đọc vì sự thâm trầm, tinh tế. Có mặt ở buổi giới thiệu tủ sách, nhà thơ Phong Việt kể thời là sinh viên từ quê lên thành phố học, anh choáng ngợp và tự ti với mọi thứ. "Nhờ đọc Đắc nhân tâm của cụ Nguyễn Hiến Lê dịch, tôi nhìn ra được đâu là thế mạnh của bản thân và tìm thấy sự tự tin", nhà thơ chia sẻ.
Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập. Ông đã sáng tác, biên soạn và dịch thuật nhiều cuốn sách thuộc các lĩnh vực như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế...
Thanh Phương