Theo Live Science, bà được biết tới nhiều nhất vì sự đóng góp của mình đối với máy tính vạn năng thời đầu của Charles Babbage, The Analytical Engine - máy phân tích.
Trong những ghi chép của bà liên quan tới máy phân tích có bao gồm cả thuật toán (algorithm) đầu tiên được viết với mục đích để máy tính xử lý. Vì điều này, bà thường được coi là nhà lập trình đầu tiên trên thế giới. Bà cũng tiên đoán rằng khả năng của máy tính sẽ đi xa hơn việc chỉ tính toán và xử lý các con số, không như cách nghĩ của những người cùng thời khác, bao gồm cả Babbage.
Cuộc triển lãm mô hình chiếc máy có khả năng tính toán sơ khai, những ghi chép chi tiết và những bản viết tay mang tính tiên phong của Ada Lovelace mở cửa cho khách tham quan ở Bảo tàng khoa học London, Vương quốc Anh từ ngày 13/10 đến tháng 3/2016. Các chuyên gia máy tính công nghệ cao chọn dịp này để tưởng nhớ và vinh danh Ada Lovelace, người đặt nền móng cho những thành tựu to lớn đạt được ngày nay.
Augusta Ada King, nữ bá tước Lovelace (10/12/1815 - 27/11/1852), tên khai sinh là Augusta Ada Byron, và thường được biết tới với tên Ada Lovelace. Bà là người con hợp pháp duy nhất của nhà thơ lãng mạn Anh George Gordon Byron và Anne Isabella "Annabella" Milbanke.
Ngay từ khi còn nhỏ, Ada Lovelace đã quen biết Charles Babbage, nhà toán học kiêm kỹ sư cơ khí, khi ông đang nghiên cứu sáng chế ra The Difference Engine – máy tính hiệu số, một thiết bị đa năng có thể giải quyết được các bài toán khó dựa trên năng lực tính toán các con số.
Năng khiếu vượt trội về toán học và kỹ thuật của Ada Lovelace đã khiến nhà phát minh nổi tiếng Charles Babbage chú ý. Theo Tilly Blyth, người chịu trách nhiệm chính trong cuộc triển lãm về Ada Lovelace, Charles Babbage từng ưu ái gọi bà là "người phụ nữ quyến rũ của những con số".
Niềm say mê từ thuở đầu đời với toán học và những cỗ máy kỹ thuật phức tạp của Ada Lovelace khiến bà thể hiện sự quan tâm đặc biệt và hiểu biết sâu sắc về những nguyên tắc cơ bản tạo nên chiếc máy tính phân tích sơ khai chưa được hoàn thành của Charles Babbage.
Năm 1842, Ada Lovelace dịch sang tiếng Anh bản mô tả chi tiết tính năng hoạt động máy phân tích của nhà toán học người Italy tên là Luigi Menabrea (sau này trở thành thủ tướng Italy). Bản dịch kỹ lưỡng của Ada Lovelace được công bố kèm với bản phụ chú tỉ mỉ về máy phân tích và tiên đoán tiềm năng sử dụng to lớn của cỗ máy trong tương lai.
Trong bản phụ chú, Ada Lovelace đã tìm ra một lỗi trong thuật toán cỗ máy dùng để tính chuỗi số Bernoulli (chuỗi số hữu tỷ thường được sử dụng trong toán học lý thuyết hay số học). Các nhà khoa học về sau cho rằng thuật toán của Ada Lovelace là những mã nguồn máy tính đầu tiên do con người lập ra, vì nó lần đầu tiên thể hiện rõ từng bước phát triển logic đặc trưng hoạt động xác định dành riêng cho máy tính. Bản phụ chú phát triển bản mô tả của Menabrea sâu sắc đến mức mà sau đó được các chuyên gia coi là một công trình riêng của Ada Lovelace, và được đặt tên là "Những chú thích". Nội dung của nó thực sự là một chương trình cho máy tính. Trước đó, chưa ai làm ra một chương trình tương tự.
Bên cạnh đó, Ada Lovelace cũng tiên đoán sự ra đời của kỷ nguyên máy tính, đưa ra quan điểm rằng những máy móc tính toán phức tạp, hay gọi là máy tính (computer), cần phải có thêm những tính năng khác, xử lý được những ký hiệu logic khác, ngoài tính toán các con số đơn thuần.
Ada Lovelace thậm chí đề cập đến "công cụ có thể sáng tác một cách khoa học, tỉ mỉ công phu âm nhạc ở bất kỳ mức độ phức tạp và rộng mở nào". Thời đó, ngay cả người thầy Charles Babbage của bà cũng chưa từng có một sự hình dung như vậy.
Tuệ Lâm