Trung tướng Trần Văn Độ (Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) cho biết mục tiêu chủ yếu của việc thành lập Tòa án Gia đình và Trẻ vị thành niên là để xét xử các vụ án sâu sát hơn, phù hợp với tâm sinh lý của nghi can.
Theo trung tướng, những hành vi phạm tội của người chưa thành niên được đưa ra xét xử về cơ bản vẫn do tòa án các cấp xét xử theo thủ tục chung và phần lớn là do TAND cấp huyện xét xử. Nhiều vụ án còn được đưa về địa phương xét xử công khai đã làm cho các em trở nên hoang mang, nhiều em sau đó khó làm lại cuộc đời.
Theo dự thảo đề án do TAND Tối cao xây dựng, việc thành lập Tòa án Gia đình và Trẻ vị thành niên xuất phát từ tình hình tội phạm là người chưa thành niên đang chiếm tỷ lệ cao, nghiêm trọng và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên ở Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng khi giải quyết loại án do người chưa thành niên còn hạn chế, vẫn theo thủ tục chung mà chưa chú ý đúng mức những thủ tục đặc biệt. Nhiều điều tra viên chưa chú ý tới việc điều tra nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, điều kiện nhân thân, giáo dục của nhà trường… Cũng vì chưa chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên nên trong quá trình hỏi cung bị can, nhiều điều tra viên vẫn còn quát mắng, đe dọa, thậm chí đánh đập, gây cho các em tâm lý sợ hãi, căng thẳng dẫn đến lời khai không đúng.
Theo tiến sĩ Mai Bộ (Tòa án Quân sự Trung ương), đối với người chưa thành niên, gia đình là nơi nuôi dưỡng và là trường học đầu tiên của trẻ em. Từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, phần lớn thời gian là trẻ em sống trong gia đình. Chính vì thế, người chưa thành niên phạm tội chịu ảnh hưởng nhiều từ những hành vi xấu của cha mẹ và người lớn trong gia đình.
Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng Tòa án Gia đình và Trẻ vị thành niên sẽ giúp giải quyết tốt hơn những quan hệ đặc thù trong gia đình, những quan hệ với trẻ vị thành niên cũng như những chế định đặc thù cần áp dụng.
Ngoài ra, Tòa án Gia đình và Trẻ vị thành niên còn thúc đẩy việc xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin và số liệu, giúp các cơ quan xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách có những thông tin chính xác để đề ra những biện pháp thích hợp trong phòng ngừa cũng như chăm sóc, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của trẻ vị thành niên.
Khi tòa án này được thành lập, các vụ việc liên quan đến trẻ vị thành niên sẽ được xét xử kín và tạo được sự gần gũi đối với người chưa thành niên tham dự phiên tòa. Để thành lập được tòa án này, cần phải đào tạo cho cán bộ tiến hành tố tụng hiểu biết tâm lý trẻ; thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ công an, kiểm sát, tòa án, luật sư, hội đồng thẩm phán… để họ hiểu sâu về lĩnh vực này.
Dự kiến, TAND Tối cao sẽ hoàn tất đề án thành lập Tòa án Gia đình và Trẻ vị thành niên trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cho ý kiến trong năm 2013, sau đó sẽ xây dựng và trình Quốc hội các dự án luật sửa đổi, bổ sung. Tòa án Gia đình và Trẻ vị thành niên được thành lập là tòa chuyên trách nằm trong hệ thống tòa án hiện hành. Tuy nhiên, do có những đặc thù về lứa tuổi, tâm sinh lý của trẻ vị thành niên nên phải có những phòng xử thân thiện với các em.
Theo Người lao động