5h30 mỗi ngày, các thành viên trong lớp học lặn tự do nhắn tin trong nhóm chat, thúc giục nhau ra biển Hòn Sụp, nơi có mỏm đá nhô lên mặt biển, nằm giữa Bãi Bụt và vịnh neo thuyền của bán đảo Sơn Trà. Họ mang theo mặt nạ, vòi hơi, chân vịt... để tập lặn.
Sau ít phút khởi động làm nóng cơ thể, nhóm luyện tập kỹ năng hít thở, cách sử dụng vòi hơi, xả áp suất từ tai khi xuống mực nước sâu rồi cùng nhau xuống nước thực hành. Người hướng dẫn là anh Đào Đặng Công Trung (44 tuổi), có Chứng chỉ lặn biển Không giới hạn độ sâu do Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp (PADI) cấp.
Nguyễn Thị Trà My (27 tuổi), vận động viên ba môn thể thao phối hợp (triathlon) của Việt Nam tham dự SEA Games 31, kể mùa hè năm nay, sau khi xem clip của anh Trung chia sẻ trên Facebook về những rạn san hô và công việc nhặt rác dưới biển, cô đã kết nối để học hỏi thêm một số phương pháp lặn đúng cách và an toàn.
Dù là dân bơi lội, khi lặn xuống mực nước sâu, Trà My vẫn bị áp lực nước gây ù tai, đau mắt và cảm thấy sợ. "Sau nhiều lần lặn cùng anh Trung, tôi tiến bộ hơn và khuyến khích anh mở các lớp học lặn để các bạn trẻ tiếp cận nhanh với bộ môn đang hot này", Trà My kể.
Học viên muốn tham gia khóa học phải biết bơi biển trên 200 m để đảm bảo an toàn. Kết thúc khóa học lặn diễn ra một tháng, học viên thành thục các kỹ năng lấy hơi dài, điều áp khi xuống độ sâu khác nhau, lặn được ở độ sâu trung bình 5 m. Những người có chứng chỉ của Hiệp hội PADI như anh Đào Đặng Công Trung có thể lặn tự do ở độ sâu 10-15 m.
Hè này có hai lớp với 80 học viên hoàn thành khóa học. Anh Trung và Trà My cùng nhau lên ý tưởng lập nhóm Danang Freediving với mong muốn hướng dẫn nhiều người biết lặn, biết bơi và lan tỏa tình yêu môi trường biển. Trong thời gian ngắn, nhóm đã có hơn 1.200 người tham gia.
Giữa tháng 8, hơn 40 thành viên nhóm Danang Freediving cùng nhau ra bãi Nam dưới chân bán đảo Sơn Trà nhặt rác tại các rạn san hô. Thành viên trẻ nhất Trần Băng Băng, 11 tuổi, lặn phía trên mặt nước quan sát nơi nhiều rác, trong khi những người khác lặn xuống độ sâu 5-10m lấy rác lên.
Mỗi khi phát hiện lưới ma (lưới rách bám vào rạn san hô), một nhóm 4-5 người thay phiên nhau lặn xuống, cẩn thận dùng dao cắt từng sợi lưới để không ảnh hưởng đến rạn san hô vốn chỉ phát triển được 1 cm mỗi năm.
Sau hai tiếng, họ mang lên bờ hơn 200 kg rác thải. Chị Rally Lee (người Hàn Quốc, làm việc tại Đà Nẵng 7 năm) nói rất buồn khi thấy nhiều loài san hô đã chết dưới đáy biển do ô nhiễm hoặc do người vô ý dẫm đạp.
"Tôi muốn cùng người dân Đà Nẵng bảo vệ san hô", chị nói và cho biết sẽ tiếp tục xuống biển nhặt rác.
Anh Đào Đặng Công Trung nở nụ cười mãn nguyện. Mười năm qua, anh âm thầm bảo vệ những rạn san hô bằng công việc nhặt rác, cắt lưới ma. Nhưng mỗi buổi lặn cũng chỉ vớt được khoảng 20 kg vỏ chai, lon, lưới lên bờ.
"Để biển sạch hơn cần thêm nhiều thợ lặn tình nguyện đi nhặt rác. May mắn là nhiều người ủng hộ ý tưởng học lặn để xuống biển cắt lưới ma "cởi trói" cho san hô. Thời gian tới, môi trường biển chắc chắn sẽ sạch hơn", anh Trung nói.
Trà My cho hay mỗi lần lặn xuống biển giống như đi "phượt", có thể khám phá một thế giới mới mẻ trong lòng đại dương. "Sẽ ý nghĩa hơn nếu mọi người cùng nhau bảo vệ, giữ gìn môi trường biển", cô nói.
Anh Trung và Trà My cho rằng học lặn không khó, nhưng học viên cần phải trang bị kiến thức môi trường biển. Ví dụ, có những loài sống cộng sinh trong hệ sinh thái san hô rất độc và nguy hiểm, không thể chạm vào.
Bà Dương Thị Xuân Liễu, Trưởng phòng Quản lý và khai thác du lịch Sơn Trà (Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng), cho hay thành phố bắt đầu có nhiều người lặn tự do, quy tụ thành một nhóm như Danang Freediving để chung tay bảo vệ môi trường biển là điều đáng trân trọng.
"Đây là hoạt động rất ý nghĩa, góp phần bảo vệ và bảo tồn san hô ở bán đảo Sơn Trà", bà Liễu nói, cho biết sắp tới ban quản lý sẽ phát động và duy trì các đội nhóm khác cùng nhau làm sạch biển.