![]() |
Ảnh chụp chiếc Kon-Tiki trong hành trình, ngày 18/9/1947. |
Năm 1947, Heyerdahl người Nauy và nhóm của ông đã lái chiếc bè với những phương tiện kỹ thuật tối thiểu nhất vượt qua quãng đường 7.840 km từ Peru tới quần đảo Polynesia, nhằm chứng minh các nhà thám hiểm tiền sử có thể đã di cư qua đại dương mênh mông. Theo giả thuyết của Heyerdahl, quần đảo Polynesia ở biển Nam Thái Bình Dương được định cư bởi những nhà thám hiểm tiền Inca từ Nam Mỹ tới, trong khi đó, quan điểm phổ biến vào thời ấy lại cho rằng gốc gác của họ là từ vùng Đông Nam Á.
Chuyến hải trình gian nan của Heyerdahl và đồng đội được ghi lại trong cuốn sách best-seller Kon-Tiki và trong một bộ phim tài liệu từng đoạt giải Oscar. Heyerdahl mất năm 2002 ở tuổi 87.
Một đoàn thám hiểm khác, được sự tài trợ của Bộ Tài nguyên Nauy và ủng hộ của bảo tàng Kon-Tiki, nay hy vọng sẽ lặp lại chuyến du hành huyền thoại trên với một chiếc bè gỗ có tên Tangaroa - tên vị thần biển trong ngôn ngữ của người Polynesia.
Mặc dù Tangaroa cũng rất thô sơ, song thành viên đoàn thám hiểm Inge Meloey cho biết nó sẽ đi kèm với những công nghệ hiện đại. Mái cabin sẽ gắn các tấm pin mặt trời để phát điện, và thay cho chiếc máy thu phát cổ điển như của ông họ, đoàn sẽ mang theo các thiết bị liên lạc và định vị vệ tinh, cũng như có thể cập nhật Internet trong suốt chặng đường. Họ dự kiến khởi hành ngày 28/5/2005.
"Kon-Tiki là một trong những chuyến vượt biển nổi tiếng nhất thế giới, và chúng tôi muốn tiếp tục truyền thống của Heyerdahl", trưởng nhóm Torgeir Saeverud Higraff, một giáo viên và cũng là nhà báo, phát biểu tại bảo tàng Kon-Tiki ở Oslo, Nauy.
Higraff cho biết môi trường biến đổi là một trong những thách thức lớn nhất với chuyến đi trị giá 900.000 USD này, ngay cả trước khi nó bắt đầu. Rừng nhiệt đới ở Peru, nơi Heyerdahl tìm thấy các cây gỗ balsa của ông, nay đã biến mất, và con sông mà ông dùng để thả trôi chúng ra biển giờ chỉ còn chảy lờ đờ như một con mương. Đoàn thám hiểm trẻ dự định hạ gỗ balsa ở một cánh rừng gần đó, bắt đầu vào tháng 12 tới.
Họ sẽ bắt đầu hành trình đúng khoảng thời gian mà Kon-Tiki ra khơi. Và giống như chuyến đi đầu tiên, đoàn cũng bao gồm 5 người Nauy, một người Thụy Điển và một con vẹt.
Không chỉ để tưởng nhớ Heyerdahl, chuyến đi lần này còn nhằm thu hút sự chú ý đến các mối de dọa môi trường trên đất liền và trên biển. Nhóm thám hiểm còn dự định lấy mẫu khoa học trong suốt cuộc hành trình và thử nghiệm các giả thuyết mới về kỹ thuật định vị của người cổ đại.
"Tôi phải đồng ý để thỏa mãn tâm nguyện của tôi về sự phiêu lưu", Olva Heyerdahl, cháu trai 27 tuổi của người ông nổi tiếng, phát biểu. Cậu Heyerdahl trẻ - một thợ mộc, một kỹ sư xây dựng đồng thời là một thợ lặn - sẽ chịu trách nhiệm xây dựng chiếc bè và bảo dưỡng nó trong hành trình.
Chiếc Kon-Tiki bị đưa đẩy hoàn toàn nhờ vào sức gió và thủy triều, bởi nó không thể đi ngược gió. Vào cuối chặng hành trình, chiếc bè lao vào một khối san hô vì đoàn thủy thủ không thể thay đổi được dòng chảy. Trong hành trình hiện đại, nhóm thám hiểm đã tìm ra kỹ thuật để lái chiếc bè mà họ hy vọng sẽ hướng nó chính xác đến nơi cần đến: Tahiti.
Thuận An (theo MSNBC)