![]() |
Con số này gồm 4 triệu chữ số ghép lại. |
Số nguyên tố là số chỉ chia hết cho 1 và chính nó, nhỏ nhất là số 2, và đây cũng là số nguyên tố duy nhất đồng thời là số chẵn. Các số tiếp theo là 3, 5, 7, 11... Trước nay, việc tìm kiếm số nguyên tố lớn nhất luôn là khát vọng của các nhà toán học. Và từ khi máy tính ra đời, "số nguyên tố lớn nhất" luôn là thử nghiệm để đánh giá tốc độ tính toán của máy.
Người lập kỷ lục mới về số nguyên tố là Michael Cameron, một sinh viên 20 tuổi, làm việc cho dự án quốc tế GIMPS - chuyên tìm kiếm những số nguyên tố lớn hơn 1 triệu chữ số. Với "phát minh" này, Cameron đã giật giải thưởng 100.000 USD do Electronic Frontier Foundation (EFF) trao tặng.
Dự án GIMPS lập một mạng lưới quy tụ những người tự nguyện trên thế giới, tận dụng dung tích của những máy tính bỏ trống vào việc tìm số nguyên tố. Nguyên tắc này cũng được sử dụng để tìm kiếm sự sống ở các hành tinh khác cũng như tìm phương pháp chữa bệnh AIDS.
Theo đánh giá của EFF, kỷ lục lần này của Cameron là một bước tiến vượt bậc về phần mềm kiếm tìm. Người ta giả định, ở tầm "vĩ mô", các số có dạng 2 ^P -1 (2 mũ P trừ 1, trong đó P là số nguyên tố) sẽ có khả năng là số nguyên tố. Sau đó, người ta lấy ra một số dạng này, thử qua hàng tỷ phép tính để loại trừ khả năng nó chia hết cho mọi số nhỏ hơn một phần hai nó.
Phương trình vũ trụ
Tuy nhiên, đối với các nhà toán học lý thuyết thì kỷ lục mới về số nguyên tố không phải là bước đột phá lớn. Điều quan trọng là phải "tìm ra quy luật của số nguyên tố"cơ! Theo họ, số nguyên tố thể hiện một dạng thức tồn tại phổ biến trong thiên nhiên, tức là: Từ một nguyên lý xác định (chia hết cho 1 và chính nó) phát triển thành vô định. Ta cũng tìm thấy nguyên lý này trong vũ trụ: Sau vụ nổ Big Bang, vũ trụ lan ra dưới dạng năng lượng, sóng và hạt, sau đó kết hợp thành vô số các dạng thức như mặt trời, hành tinh, lỗ đen... dường như, tất cả đều mở ra vô định. Đến nay, toán học vẫn chưa tìm ra một "phương trình vũ trụ" để xác định trạng thái và ranh giới của vũ trụ tại một thời điểm nhất định, cũng như chưa tìm được một phương trình để tính toán các số nguyên tố.
Quan sát gần hơn nữa, theo các nhà toán học, loại virus gây bệnh AIDS cũng hoạt động theo nguyên tắc tương tự như một dãy số nguyên tố - tức là người ta chỉ biết virus này xâm nhập theo đường máu và phá hoại khả năng miễn dịch (yếu tố xác định), nhưng chưa biết trạng thái của nó ở một thời điểm nhất định sau khi đã xâm nhập, nên không thể tiêu diệt được nó. Theo nhóm GIMPS, việc tìm ra số nguyên tố ngày một lớn hơn cũng đồng nghĩa với khả năng ngày một kiềm chế được sự phát triển của virus gây bệnh AIDS.
Minh Hy (theo Spektrum der Wissenschaft)