Khu bảo tồn bao gồm phân vùng Ô Lâu (1.270 ha), phân vùng Cồn Tè - Rú Chá (187 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614 ha), nằm trong ranh giới hành chính của 23 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã.
Trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 799 ha, khu phục hồi sinh thái trên 1.242 ha, khu dịch vụ - hành chính 29,5 ha. Vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai bao gồm toàn bộ diện tích đất mặt nước xung quanh đầm phá, tiếp giáp với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái là 17.945 ha.
Vùng sinh cảnh liên kết của khu bảo tồn có diện tích là 69.684 ha bao gồm diện tích theo địa giới hành chính của 33 xã xung quanh đầm phá.
Sau lễ công bố thành lập khu bảo tồn, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu và quy hoạch đa dạng sinh học khu vực này. Tỉnh cũng sẽ trồng thêm 72 ha rừng mặn tại xã Quảng Thái (40 ha), xã Điền Hải (16 ha), xã Điền Hòa 16 ha; trong đó phục hồi khoảng 20 ha vùng trảng cỏ, sình lầy làm sân chim, nơi kiếm ăn cho các loài chim nước.
Tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng, khu bảo tồn được thành lập sẽ bảo tồn, phục hồi được sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 68 km thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà với diện tích 22.000 ha, là đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Phá Tam Giang - Cầu Hai giàu tài nguyên động thực vật, được đánh giá là phong phú nhất ở Đông Nam Á.
Võ Thạnh