Trong chuyến khảo sát thực địa, kiểm tra tổ chức giao thông khu vực Đại Nội Huế và khu vực phụ cận hôm 8/2, ông Phương cũng yêu cầu UBND TP Huế nghiên cứu, thành lập tổ công tác liên ngành để kịp thời xử lý các bất cập mà du khách phản ánh, cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch trên địa bàn. "Cần xây dựng hình ảnh thành phố du lịch, an toàn, thân thiện cho du khách đến Huế", ông Phương nói.
Tháng 7/2017, Sở Du lịch và Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết quy chế về việc đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch. Phía công an phối hợp với ngành du lịch xử lý các hoạt động cò mồi, tranh dành khách, lừa đảo trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; phối hợp với các địa phương xử lý dứt điểm tình trạng ăn xin, bán hàng rong, đeo bám du khách.
Dù vậy, việc xích lô chèo kéo khách du lịch, cò mồi đeo bám các xe ô tô ngoại tỉnh để mời mua hàng lưu niệm vẫn diễn ra dai dẳng.
Trước thực trạng khách du lịch đi xuống lòng đường di chuyển qua Cửa Ngăn để vào tham quan Đại Nội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh giao Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phối hợp với TP Huế tổ chức lấy ý kiến của người dân về phương án xây dựng cầu gỗ bắc qua hồ, kết nối đường Trần Huy Liệu với khu vực Thượng thành để đi vào Đại Nội.
Ông cũng chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nâng cấp, chỉnh trang lại bãi đỗ xe cho Đại Nội nhằm từng bước hiện đại hóa hệ thống, tăng công suất cho bãi đỗ xe.
Đại Nội Huế nằm tại khu vực trung tâm của thành phố Huế. Đây là nơi sinh hoạt và tổ chức các hoạt động của vua triều Nguyễn cùng triều đình phong kiến cuối cùng tại Việt Nam.
Võ Thạnh