Theo Điều 21 Hiến pháp 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng có quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Qua quy định nêu trên, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bạn là quyền được pháp luật bảo vệ. Việc hàng xóm có hành vi lắp camera chĩa thẳng vào nhà bạn có thể đã xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bạn.
Nếu cảm thấy mình bị xâm phạm đời sống riêng tư, bạn có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại, đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, bạn phải chứng minh được là có thiệt hại, bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác.
Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về chế tài xử phạt hành vi này, Cơ quan quản lý tại địa phương không có cơ sở xử phạt vì quy định pháp luật về hành chính cũng như hình sự chưa đề cập hành vi trên nên sẽ rất khó để những gia đình rơi vào tầm quan sát của camera có thể dành được quyền lợi nhất định.
Theo điểm d, khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích "đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân".
Tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý như sau:
Về xử lý hành chính: Theo khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, người có hành vi "Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân" thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Về quyền nhân thân được bảo vệ theo Bộ luật Dân sự: Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình.
Ngoài ra, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự nhân phẩm, uy tín còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thương thiệt hại.
Về hình sự, nếu hành vi lắp camera của nhà hàng xóm quay sang nhà bạn rồi phát tán hình ảnh, video của gia đình bạn lên mạng xã hội ở chế độ công khai với lời lẽ chế giễu đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của bạn thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác, theo Điều 155 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội