Bãi rác cạnh chợ Linh Lang, phường Cống Vị từng là nỗi khổ của người dân trên địa bàn. Nhiều thời điểm, rác dồn ứ cao cả mét, tràn xuống lòng đường, bốc mùi hôi thối. Dù chính quyền địa phương gắn biển cấm, tình trạng này vẫn không cải thiện.
"Chỉ khi tấm biển 'khu vực có camera giám sát' được dựng lên, cùng chiếc camera chĩa thẳng vào điểm từng tập kết rác, mọi chuyện mới thay đổi", bà Lam kể.
Từ đầu năm 2025, khu phố trở nên sạch sẽ hơn. Đúng 19h, người dân mang rác ra tập kết vào xe đẩy chuyên dụng, sau đó nhân viên môi trường thu gom. Sau 22h, việc đổ rác kết thúc.

Góc tường cạnh cột điện tại tổ dân phố số 6, phường Kim Mã, quận Ba Đình từng là nơi tập kết rác tự phát, nay sạch sẽ sau khi lắp đặt camera giám sát. Ảnh chụp sáng 27/3: Quỳnh Nguyễn
Minh Tuyết chuyển đến tổ dân phố số 6, phường Kim Mã, quận Ba Đình gần hai năm nay. Suốt thời gian đó, cô chứng kiến đầu ngõ trở thành điểm tập kết rác của cả khu, chất đống từ sáng đến tối. Sau một thời gian Tuyết cũng làm theo "vì thấy không ai bị phạt".
"Từ khi có camera phạt nguội hành vi đổ rác không đúng nơi, giờ quy định, mọi người đều tuân thủ. Khu dân cư sạch sẽ hơn hẳn", Tuyết nói.
Những hôm về muộn sau giờ quy định, cô buộc chặt túi rác để tối hôm sau đi đổ. Với rác nặng mùi, Tuyết chở thẳng đến điểm có xe môi trường thu gom. Cô cho rằng thà đi xa còn hơn bị phạt, nếu bị nêu tên trong khu dân cư lại càng xấu hổ.

Một điểm lắp camera giám sát hành vi đổ rác sai giờ, sai vị trí tại phố chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Gia đình bà Mai Lam, Minh Tuyết cùng nhiều hộ dân tại quận Ba Đình đã dần thay đổi thói quen đổ rác sau khi chính quyền lắp đặt 79 camera giám sát tại 13 phường. Các thiết bị này được đặt tại những khu vực thường xuyên mất vệ sinh môi trường nhằm theo dõi và xử lý vi phạm.
Đại diện UBND quận Ba Đình cho biết hình ảnh từ camera được truyền về phòng trực ban công an phường để giám sát. Dựa trên dữ liệu ghi lại, tổ kiểm tra sẽ xác định người vi phạm, lập biên bản và ra quyết định xử lý. Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, mức xử phạt hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định là 1,5 triệu đồng.
Tính đến ngày 21/3, quận Ba Đình đã lập biên bản 120 trường hợp vi phạm, trong đó 115 người đã nộp phạt, tổng số tiền 176 triệu đồng. Các phường Cống Vị, Vĩnh Phúc và Trúc Bạch có số người vi phạm cao nhất.
"Khi bị tổ công tác công khai hình ảnh vi phạm, nhiều người xấu hổ, tự nhận thức được lỗi của mình và chấp hành nộp phạt. Đến nay, chưa trường hợp nào cần phải cưỡng chế thi hành", đại diện quận cho hay.

Công an phường Kim Mã, quận Ba Đình theo dõi các hành vi gây mất vệ sinh môi trường trên địa bàn phường, sáng 27/3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Trong tháng 4 và 5/2025, quận Ba Đình sẽ lắp thêm 202 camera giám sát và tích hợp khoảng 1.000 camera từ các hộ dân đồng ý chia sẻ dữ liệu. Sau khi hoàn thiện mạng lưới, hệ thống sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện người vi phạm, biển số xe và gửi dữ liệu về trung tâm giám sát của quận, giúp xử lý vi phạm triệt để hơn.
Ngoài camera, công an phường cũng tiếp nhận phản ánh từ người dân. Với các trường hợp tố giác, đơn vị sẽ trích xuất dữ liệu để làm bằng chứng xử phạt.
Hệ thống camera ghi lại trường hợp người dân trên địa bàn quận Ba Đình đổ rác sai quy định trong năm 2025 để xử phạt. Nguồn: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình
Cuối tháng 2/2025, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng triển khai lắp đặt camera giám sát, phục vụ nhiều mục tiêu, trong đó có quản lý vệ sinh môi trường.
Ngoài quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm cũng lắp thí điểm 32 camera, phường Láng Thượng (quận Đống Đa) đã triển khai khoảng 100 camera tại ba khu dân cư nhằm xử lý tình trạng vứt rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị.
Ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Thượng, cho biết từ khi có camera giám sát, tình trạng đổ trộm rác rải giảm đáng kể. Bên cạnh xử phạt một số trường hợp để răn đe, chính quyền địa phương cũng liên tục tuyên truyền, nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức.
Không còn rác tràn từ vỉa hè xuống lòng đường phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, Minh Hằng, 19 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại thương, cảm thấy "dễ thở hơn". Cô không còn bịt mũi khi ra đường, tránh rác thay vì tránh người như trước đây.
"Chỉ khi có biện pháp xử phạt nghiêm như Nghị định 168, phố phường mới thực sự sạch đẹp," Hằng nói.
Quỳnh Nguyễn