Ông Trương Công Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III, cho biết đã nắm thông tin loa phát thanh ở Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng bị nhiễu sóng Trung Quốc thông qua báo chí.
Theo ông Hạnh, hiện Trung tâm chưa thu được can nhiễu nào nên chưa xác định được vị trí đặt máy phát sóng gây ra hiện tượng nhiễu, chèn sóng. "Khi người dân báo, mình theo dõi thì lại không bị nhiễu nên khó xác định. Nếu thu được tín hiệu đúng lúc đài bị nhiễu là xác định được ngay", ông Hạnh nói.
Để khắc phục tình trạng các đài truyền thanh không dây ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bị nhiễu, chèn sóng, ông Hạnh cho biết trước mắt sẽ cho lắp bộ lọc mã hoá để khi đài phát ra chỉ thu được sóng trong nước; nâng ngưỡng máy thu và điều chỉnh hướng ăng-ten thu phát.
Cụm loa phát thanh ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đang phải rút nguồn điện vì xảy ra tình trạng chèn sóng Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III cho biết, sự lan truyền của sóng vô tuyến điện trong không gian là không biên giới và rất phức tạp. Thời gian qua, Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực III đã tiếp nhận và xử lý nhiều vụ can nhiễu do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, tạo ra các đường truyền sóng bất thường, làm cho sóng vô tuyến V/UHF có thể truyền đi rất xa.
Hiện tượng này gọi là ống dẫn sóng đối lưu - một dạng môi trường truyền sóng. Sóng vô tuyến V/UHF truyền trong môi trường này có suy hao rất thấp nên truyền đi rất xa đến hơn 1.000 km, thậm chí hơn 2.000 km. Thực tế đã có một số trường hợp chứng minh cho hiện tượng siêu truyền dẫn này nhưng đa số là tín hiệu FM và tín hiệu truyền hình.
Hiện tượng trên thường xảy ra nhiều nhất ở khu vực ven biển tiếp giáp với vùng biển rộng. Vì vậy, việc các sóng vô tuyến V/UHF từ Trung Quốc hay các quốc gia khác lan truyền đến và gây nhiễu theo cơ chế ống dẫn sóng nêu trên là có thể xảy ra. Đối với những trường hợp can nhiễu này, thông thường chỉ xảy ra theo mùa, trong thời gian rất ngắn, mức độ ảnh hưởng không nhiều.
Đài truyền thanh ở Thừa Thiên - Huế bị nhiễu sóng Trung Quốc
Chiều 19/7, ông Dương Đăng Nhân, Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Phú Lộc cho biết, lãnh đạo đài đã có văn bản gửi UBND huyện Phú Lộc, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo việc hệ thống sóng truyền thanh trên địa bàn bị nhiễm sóng tiếng Trung Quốc.
Theo ông Nhân, hệ thống sóng truyền thanh bị nhiễm sóng Trung Quốc gần một tháng nay tại thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc). Hai địa phương này có 14 cụm với 28 loa công cộng tiếp sóng trực tiếp từ đài huyện. Việc chèn sóng tiếng Trung Quốc (cả giọng nam và nữ chưa rõ nội dung) xảy ra trên hệ thống loa vô tuyến (không dây) ở băng tầng 98 MHz với hệ sóng FM phát sóng trực tiếp từ đài huyện.
Trưởng đài Phú Lộc cho hay, hiện tượng nhiễm sóng tiếng Trung Quốc không xảy ra vào các khung giờ phát sóng chính mà vào thời điểm đài nghỉ phát sóng. “Sáng 12/7, sau khi đài kết thúc giờ phát vào buổi sáng, anh em cán bộ, công nhân viên trong đài nghe rất rõ giọng nam nói tiếng Trung Quốc phát ra từ hệ thống loa truyền thanh của đài nhưng không hiểu nội dung. Đây là lúc chúng tôi nghe rõ tiếng nhất kể từ khi ghi nhận hiện tượng nhiễm sóng”, ông Nhân nói.
Chiều cùng ngày, ông Lê Văn Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết đã nắm được sự việc và liên hệ với đơn vị chuyên quản lý tần số để kiểm tra việc nhiễu sóng tiếng Trung Quốc.
Trước đó chiều 18/7, ông Phan Thanh Liêm, Trưởng đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), xác nhận đài phát thanh trên địa bàn bị chèn sóng nói tiếng Trung Quốc từ ngày 21/5, nhưng chỉ ở một cụm (2 loa) thuộc tổ 96 phường Khuê Mỹ.
Đắc Đức - Nguyễn Đông