Trưa 14/5, anh Khánh, 36 tuổi, cùng 10 tình nguyện viên mang hơn 30 chiếc phao, buộc trên thành của 6 cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa phận thủ đô. Anh cho biết, đây là ý tưởng đã ấp ủ từ lâu nên đã bàn với các thành viên của câu lạc bộ bơi và quyết định triển khai, sau khi liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thời gian qua.
"Tôi mong muốn cung cấp công cụ cho những người đuối nước, người muốn cứu nạn có thêm hy vọng sống thay vì chỉ đứng trên cầu hô hoán, hay khi nhảy xuống mới hối hận", người đàn ông 36 tuổi nói.
Chương trình lắp phao cứu sinh trên cầu được triển khai từ ngày 6/5, với kế hoạch đặt 400 chiếc trên những cây cầu bắc qua sông Hồng từ Lào Cai đến Thái Bình. Sau hai tuần, câu lạc bộ của anh Khánh đã lắp đặt hơn 100 phao cứu sinh tại bốn tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Nội.
Ở thủ đô, nhóm bố trí 33 phao treo tại 6 cây cầu là Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì. Tùy độ dài, mỗi cầu sẽ bố trí từ ba đến năm phao. Kinh phí mua trang thiết bị do các thành viên trong câu lạc bộ bơi đóng góp.
Để triển khai, các thành viên thường phải tập kết đồ dưới chân cầu rồi đi bộ lên. Đồ nghề gồm vài cọng dây thép và kìm. "Chúng tôi cố lắp gọn nhẹ, đủ độ an toàn để phao không bị xê dịch hoặc bung nhưng cũng dễ tháo trong tình huống khẩn cấp", anh Khánh nói.
Là hoạt động tự phát, trước khi lắp đặt phao cứu sinh, anh Khánh chủ động liên hệ với các địa phương xin ý kiến. "Khi giải thích rõ về mục đích lắp phao, câu lạc bộ nhận sự đồng thuận. Nhiều địa phương còn đề xuất lắp thêm tại các cầu không bắc qua sông Hồng", anh cho biết.
Hà Cương, 24 tuổi, ở Lào Cai, tham gia câu lạc bộ Bơi khám phá của anh Khánh từ tháng 2 năm nay, rất ủng hộ hoạt động treo phao cứu sinh trên cầu. "Tôi thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa, đặc biệt là vào mùa hè khi số vụ đuối nước xảy ra nhiều. Tình trạng này xảy ra với cả người lớn, trẻ nhỏ, người biết bơi và cả người cứu. Tôi hy vọng mô hình này có thể nhân rộng ra nhiều nơi", Cương nói.
Một lãnh đạo phường của quận Long Biên cho biết đã nắm được hoạt động treo phao cứu sinh trên cầu Long Biên của nhóm tình nguyện viên. "Việc treo phao trên thành cầu liên quan đến mảng văn minh đô thị. Nếu treo đảm bảo an toàn, có người trực chốt khi có tình huống xấu xảy ra, họ thả phao cứu người, đó là hành động đẹp, cần phát huy. Nhưng chúng tôi cũng cần kiểm tra và xác minh thêm một số thông tin", vị này nói.
Chiều 15/5, Hà My, 27 tuổi, ở quận Hoàng Mai đi qua cầu Vĩnh Tuy bất ngờ thấy sự xuất hiện của những chiếc phao cứu sinh. Cô gái thấy lạ nên tìm hiểu. "Khi biết những chiếc phao do một câu lạc bộ tình nguyện lắp để cứu người trong trường hợp khẩn cấp tôi thấy xúc động bởi đâu đó trong cuộc sống, lòng tốt vẫn hiện hữu", My nói.
Không chỉ treo phao cứu sinh, nhóm tình nguyện của anh Khánh còn tổ chức một loạt các hoạt động nâng cao nhận thức của học sinh, người dân về phòng chống đuối nước, dạy bơi miễn phí, cách sơ cứu người đuối nước... tại 10 địa phương dọc sông Hồng, từ Lào Cai kéo dài đến Thái Bình. Đến nay, nhóm đã triển khai hoạt động tại bốn địa phương, trang bị kỹ năng cho gần 700 người, trong đó 70% là học sinh.
Sau một tháng phát động, hai tuần lập kế hoạch, câu lạc bộ của anh Khánh thu hút hơn 50 tình nguyện viên đăng ký tham gia, trong đó 10 người nòng cốt. Nhóm hoạt động vào các ngày cuối tuần, dự kiến chương trình kết thúc vào tháng 7 tới.
"Bơi ở sông, suối khác hẳn với bể bơi, nếu người dân không trang bị kiến thức, kỹ năng sinh tồn, rất dễ gặp nguy hiểm. Do vậy, chúng tôi mong muốn truyền đạt thông tin, kỹ năng thực tế đến càng nhiều người càng tốt", anh Khánh nói.
Quỳnh Nguyễn