Trao đổi với VnExpress.net chiều 29/11, GS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu cho biết Viện đã lập kế hoạch khảo sát, nghiên cứu về hiện tượng lòng đất phát nổ ở vùng hạ lưu công trình thủy điện sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My. Dự trù kinh phí trong 2 tháng khảo sát khoảng 500 triệu đồng. Viện cần Liên hiệp Hội khoa học địa lý Việt Nam hỗ trợ kinh phí. Văn bản đã được Viện gửi đến Liên hiệp nhưng hiện chưa có phản hồi.
Theo giáo sư Triều, để xác định chính xác nguyên nhân lòng đất phát nổ ở huyện Bắc Trà My thời gian vừa qua, Viện dự kiến lập 3 đoàn công tác (mỗi đoàn 4-5 chuyên gia, kỹ sư) nghiên cứu đới đứt gãy trong tầng địa chất dẫn đến sạt lở và khảo sát vị trí đặt máy quan trắc động đất, theo dõi ghi nhận hàng ngày. Trước mắt, Viện Vật lý địa cầu sẽ đưa máy quan trắc vào đặt tại huyện Bắc Trà My.
Lòng đất liên tiếp phát nổ với mật độ tăng dần khiến người dân huyện Bắc Trà My lo sợ. Ảnh: Trí Tín |
Liên quan đến tiếng nổ trong lòng đất chấn động khu vực trong vòng bán kính 30 km đêm 27/11, giáo sư Triều cho biết thêm, trạm địa chấn ở Thừa Thiên - Huế đã ghi nhận dư chấn động đất hôm ấy là 3 độ richter, vẫn ở mức an toàn. "Tuy nhiên với mật độ lòng đất liên tiếp phát nổ như vậy cần phải nghiên cứu, đưa ra giải pháp kịp thời để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân", ông Triều nói.
Giáo sư, Viện sĩ Đặng Vũ Minh thuộc Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật địa lý Việt Nam đang đi công tác nên chưa nhận được văn bản kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu. "Nếu tiếp nhận được văn bản, tôi sẽ chỉ đạo theo chức trách, nhiệm vụ của mình có thể", ông Minh khẳng định.
Từ ngày 16/11 đến nay, đã 3 lần xuất hiện nhiều tiếng nổ phát ra từ lòng đất giữa đêm khuya đến rạng sáng, trong đó tiếng nổ đêm 27/11 lớn nhất. Chính quyền huyện Bắc Trà My đang lo hàng nghìn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng tái định cư thủy điện sông Tranh 2 sợ động đất bỏ nhà di cư sâu vào rừng phòng hộ, kéo theo hệ lụy phá rừng tự nhiên đầu nguồn.
Trí Tín