Ngày 17/2, Huỳnh Thị Kim Oanh, 41 tuổi; Lê Lý Thành, 37 tuổi và Lê Văn Mười, 43 tuổi bị Công an Bình Dương bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ nhiều dấu hiệu tội phạm khác của 3 bị can.
Trước đó, cuối năm 2024, các trinh sát công nghệ cao phát hiện bất thường của nhóm người chuyên sử dụng giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp rồi liên hệ với ngân hàng đăng ký mở nhiều tài khoản thanh toán với số tiền giao dịch lớn.
Xác định tính chất nghiêm trọng, những người này hoạt động trên phạm vi nhiều tỉnh thành nên Công an tỉnh Bình Dương xác lập chuyên án.

Huỳnh Thị Kim Oanh tại cơ quan điều tra. Ảnh: Yên Khánh
Theo điều tra, Oanh là người cầm đầu băng nhóm này, từng có 2 tiền án về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan; Tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức vào năm 2010 và năm 2019.
Oanh đã cấu kết với Lê Lý Thành (ngụ Đồng Tháp) và Lê Văn Mười (ngụ Kiên Giang) để thực hiện việc mở tài khoản ngân hàng cho công ty, doanh nghiệp "ảo". Trong đó, Mười từng có 3 tiền án về Trộm cắp tài sản và Cướp giật tài sản vào các năm 2004, năm 2006 và 2016.
Để tránh bị phát hiện, nhóm Oanh sử dụng CCCD của người khác và thuê một số người giả mạo đứng tên giấy phép công ty để đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Sau khi có các tài khoản ngân hàng ở Việt Nam, Oanh và đồng phạm đem bán lại cho các băng nhóm tội phạm ở Campuchia để sử dụng cho hoạt động lừa đảo.
Lúc này, nhóm ở Campuchia chủ yếu giả danh nhân viên điện lực, công an... để dụ dỗ người dân cài app nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, chúng còn tạo các trang cá nhân doanh nhân thành đạt để làm quen, dụ dỗ "con mồi" tham gia đầu tư mua bán hàng trên mạng xã hội, đầu tư ngoại hối, đầu tư chứng khoán trên sàn...
Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Ban chuyên án đồng loạt bắt giữ Oanh, Thành và Mười, thu giữ 25 dấu tròn doanh nghiệp, 10 giấy chứng nhận mẫu dấu, 15 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 5 điện thoại, 3 laptop cùng nhiều tang vật khác.
Ngoài ra, Oanh còn có dấu hiệu trực tiếp làm giả và sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn là làm giả hồ sơ và đóng giả nhân viên ngân hàng, gọi điện cho người dân "hỗ trợ vay vốn" rồi lừa họ chuyển tiền làm thủ tục, chiếm đoạt.
Bước đầu, Ban Chuyên án xác định nhóm Oanh đã thành lập và sử dụng 25 pháp nhân công ty, trên 100 tài khoản ngân hàng vào hoạt động lừa đảo hơn 200 bị hại trên cả nước, chiếm đoạt trên 100 tỷ đồng.
Phước Tuấn - Yên Khánh