Là người trồng lúa có tiếng trong vùng, ông Hai thường được mọi người gọi là Hai Lúa. Năm 40 tuổi, ông sang Viện lúa Ô Môn, Cần Thơ học kỹ thuật sản xuất giống, rồi làm lúa giống nguyên chủng, cung cấp cho trung tâm giống (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp). Chỉ sau vài năm bán lúa giống, ông kiếm được tiền mua hơn ba hecta đất.
Năm 2000 ông bắt tay làm thiện nguyện từ việc sửa đường, vá cầu cùng vài người trong xóm. Thấy hiệu quả, nhiều người cho ván để ông bắc cầu. 4 năm sau, người em gái khuyên ông xây cầu bêtông, đỡ nhọc công bảo trì, bảo dưỡng. Thấy sức mình chưa đủ, ông chỉ nhận làm cầu nhỏ, ngang 1,5 m dài 15 m, kinh phí gần 20 triệu đồng, do em gái tài trợ.
Dù những cây cầu nông thôn lần lượt hoàn thành, nhưng ông Hai lo về chất lượng. Khi tóc đã hoa râm, ông gõ cửa Sở Giao thông Vận tải, xin gặp giám đốc. "Tôi muốn học cách bắc cầu chứ không xin tiền", ông giải thích với bảo vệ. Lãnh đạo Sở tiếp ông, không khỏi bất ngờ nhưng vẫn chỉ dẫn tận tình.
Lần đầu tiếp xúc với bản vẽ, dự toán kinh phí, móng trụ, dầm cầu,... nông dân Hai Lúa không hiểu gì, nhưng không bỏ cuộc. Cầm hồ sơ mẫu đã được giám đốc Sở ghi cặn kẽ bằng chữ, từng phần cụ thể, ông về học thật kỹ. Sau nhiều lần "trả bài", được lãnh đạo Sở cầm tay chỉ việc ngay trên công trường, ông dần hiểu, biết cách vận dụng.
"Trụ cầu đóng đến khi không xuống được nữa. Thiếu cọc thì nối, không được nhổ lên, bằng không cầu sẽ lún", ông nói về quy tắc đóng trụ. Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp sau đó đã thành lập Hội khoa học kỹ thuật cầu đường, phổ cập kiến thức, hỗ trợ cho những nông dân cùng chí hướng như ông Hai.
Năm 2010, ông Bé Hai vận động được 90 triệu đồng từ người thân, tổ chức xây cầu Năm Thứ, tại xã Tân Bình, quê ông. Công trình rộng 2,5 m dài 19 m, tải trọng 2 tấn. Đội xây cầu khi đó tăng lên vài chục người, là những nông dân tranh thủ việc đồng áng đến phụ và hoàn thành cầu trong ba tháng. Ngày khánh thành, người dân vui mừng, kéo đến bắt tay, cảm ơn nhóm xây cầu.
Sau đó, mỗi năm ông Hai xây 2-3 cầu từ nguồn vận động các nhà hảo tâm, và nâng lên 15-20 cầu những năm 2015 đến nay. Ông lo từ vận động kinh phí, thiết kế, nhân công đến xây dựng. Đội thi công cầu cũng nâng lên hàng chục người, với 4 kỹ sư. Khi hoàn công, cầu đều được Hội khoa học kỹ thuật cầu đường sẽ giám định.
Một lần, ông Hai được lời mời xây cầu dân sinh ở Thủ Đức, TP HCM. Công trình có tải trọng lớn, để an tâm ông nhờ kỹ sư của Sở Giao thông Vận tải kiểm tra bản vẽ. Nhà tài trợ xem xong, duyệt ngay vì thiết kế đảm bảo kỹ thuật, trong khi chi phí giảm hơn phân nửa so với dự trù.
"Không phải mất thêm các khoản tư vấn, thiết kế, giám sát thi công, quản lý... nên chi phí xây cầu nhờ đó giảm xuống đáng kể", ông Hai nói và cho biết nhà tài trợ sau khi trực tiếp đến công trường thấy việc thi công bài bản, nghiêm túc đã đồng ý ủng hộ tiền xây dựng thêm 3 cây cầu tương tự.
Cũng vì xây cầu từ thiện, ông Hai Lúa đã nhiều lần phải thế chấp sổ đỏ vì nhà tài trợ hứa nhưng không thực hiện. Cận Tết, cửa hàng vật tư đòi nợ, bí bách ông mang sổ đỏ đi vay tiền, lấy huê lợi từ đồng ruộng đóng lãi. Thấy ông khổ tâm, các con đưa tiền cho ông trả nợ. Gia đình, người thân cũng là nhà tài trợ thường xuyên cho những công trình cầu do ông xây. "Tôi nói với các con, của cho đi là còn, xài là hết", ông chia sẻ.
Đến nay ông Hai cùng những thành viên trong tổ, vận động xây hơn 200 cây cầu, tự tin qua 20 năm, không công trình nào phát sinh vấn đề. Dọc các tuyến nông thôn Đồng Tháp dễ dàng bắt gặp các cây cầu do đội thi công ông Hai Lúa thực hiện, nhiều công trình do gia đình ông góp kinh phí.
Với những đóng góp thiện nguyện cho bà con nông thôn, ông Nguyễn Văn Bé Hai nhận nhiều bằng khen từ cấp trung ương đến địa phương như: Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải Việt Nam của Bộ Giao thông vận tải, bằng khen Thủ tướng, UBND tỉnh, huyện,... Gần đây nhất ông được vinh danh là nông dân xuất sắc năm 2023.
Ngọc Tài