Những ngày qua, tin về loại thuốc trừ sâu đặc biệt của ông Đáo được lan truyền nhiều nơi. Khách phương xa, bà con hàng xóm đến uống với ông chén rượu, khen ngợi "bác Đáo giỏi quá". Nhiều cán bộ từ thôn xã đến tỉnh hỏi han, lấy mẫu đi phân tích. Một số doanh nghiệp cũng tìm đến bàn chuyện hợp tác sản xuất loại thuốc trừ sâu mang tên ông. Lão nông Lê Văn Đáo vẫn bình thản như mọi ngày.
Ông Đáo bê cái bình ở góc nhà, bên trong có nhiều loại quả nhìn thấy được, một số loại đã nghiền nát. Khi ông vừa mở bình, xộc ra mùi rượu thuốc ngâm lâu ngày, nước đặc sệt, xoa lên tay hơi dính. "Loại thuốc này độc với mọi người, chỉ cần uống vào thì lúc sau họng sẽ cứng, mất giọng ngay. Trong người tôi nhiều độc rồi, uống vào không sao cả", ông nói và uống luôn chén thuốc vốn dùng để diệt các loại sâu cho cây trồng trước ánh mắt tò mò của nhiều người.
Một chủ doanh nghiệp xin được thử, ông Đáo cho anh này thử một chút đầu lưỡi. Ngay sau khi nếm, anh kêu khó chịu, choáng váng, phải ăn kẹo và uống ngay một lon nước ngọt. Lão nông rít hơi thuốc lào, cười khà khà: "8 năm nay tôi đều dùng loại thuốc này để phun cho ruộng lúa của vợ chồng tôi và các con. Hôm nay phun, ngày mai sâu bệnh đã hết rồi".
Người nông dân 57 tuổi tiết lộ, loại thuốc sâu tự chế được ngâm bằng cồn 90 độ với các loại quả như hạt cau già, bồ kết khô, giềng già, gừng ta, tỏi tía, quả mã tiền... để trong vòng nửa năm. Mỗi vụ lúa, ông ngâm một bình. Số tiền mua thảo dược chỉ khoảng 100.000 đồng mà đủ phun cho vài mẫu ruộng, vườn rau. Đôi khi hứng chí, ông còn đem thuốc trừ sâu tự chế ra nhâm nhi.
Chuyện chế thuốc trừ sâu đến với ông rất tình cờ. Năm 2006, ông Đáo cất các loại thảo dược đang nghiên cứu chữa bệnh vào một trong hai hòm thóc của nhà cho khỏi ẩm. Một ngày mở ra, ông thấy hòm thóc có thảo dược không có mọt, còn cái kia mọt, bướm bâu đầy. Ông Đáo cười lên sung sướng, cả gia đình lo lắng, tưởng ông bị sao. Hóa ra ông phát hiện loại thảo dược của mình có tác dụng xua đuổi, tiêu diệt côn trùng. Ông Đáo cho rằng, cây cối cũng như con người, nếu thuốc chữa bệnh được cho con người, hẳn sẽ trị được cho cây.
Từ đó, ông thử nghiệm chế ra một loại thuốc trừ sâu hoàn toàn bằng thảo dược và bắt đầu áp dụng đều đặn vào hai vụ lúa, cho hiệu quả. Vụ chiêm 2006, chuyện ông phun thuốc sâu tự chế ầm khắp làng. "Lần đó, tôi vẫn phun loại thuốc trên nhưng thấy ruộng có chuột nên pha thêm ít dầu luyn, mùi hôi sẽ xua được loài gặm nhấm. Lúc tôi đi phun về thì thấy ông trưởng thôn đang tập thể dục. Chiều hôm đó, ruộng lúa nhà tôi teo lại như lá hành, ông trưởng thôn và làng xóm kháo nhau ầm ĩ rằng thuốc tôi tự chế làm chết lúa", ông kể.
Lúc đó, vợ con ông Đáo ruột gan như trên đống lửa, trách móc ông phen này đói không có lúa ăn. Mặc cho mọi người nói, ông không tin thứ thuốc của mình làm lúa chết. Quả nhiên, 5 thửa ruộng lại mơn mởn phát triển. Cũng năm đó cả làng phải đánh thuốc trị bệnh rầy nâu lúc trưa nắng trong khi ruộng nhà ông Đáo không bị bệnh. Lão nông ung dung nằm nghe những bài nhạc đỏ hào hùng.
Theo ông Đáo, loại thuốc tự chế có ưu điểm là diệt và phòng ngừa được nhiều loại sâu bọ như khô vằn, rầy nâu, đạo ôn... rất hiệu quả. Một ngày sau phun thì các loại sâu ăn lúa sẽ say thuốc và chết. Thuốc không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, giá thành rẻ, rất an toàn, thân thiện.
Thuốc trừ sâu chỉ là một phần nhỏ trong các mối quan tâm của ông Đáo. Từ một cuốn sách cổ, bao nhiêu năm nay, ông đầu tư tâm sức vào nghiên cứu. Ông kể, năm 1979 tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, đơn vị ông đi qua bản Chắt (Lạng Sơn). Bà con đi sơ tán hết. Qua một căn nhà nhỏ, ông thấy có hai ông bà già đau ốm, mấy ngày rồi họ không có gì ăn. Ông vội chạy về đơn vị xin được vài kg gạo với một chút mắm tôm mang đến cho họ. Vợ chồng ông già Nùng tặng ông Đáo một ống đồng, bên trong có cuốn sách cổ.
"Lúc tôi lôi ra, quyển sách đã mủn, chỉ còn 4 tờ giấy với các hình vẽ và chữ Hán. Cụ người Nùng nắm tay tôi bảo dựa vào nó để cứu người", ông Đáo kể. Năm 1983, ông trở về quê hương mang theo những ký tự đã ngấm vào trí óc. Từ đó, kệ cho vợ con, người đời nói gàn dở, ông trăn trở giải mã cuốn sách cổ.
Trong quá trình mày mò, ông Đáo đem hết trâu bò, lợn, gà, kể cả chính bản thân ra thử thuốc. "Đợt thử loại thuốc triệt đường sinh đẻ, nhà có 5 con gà mái, tôi đem thử 2 con thì cả hai con đó không đẻ nữa. Những năm 1980, nhà nào có được ổ lợn nái thì oai lắm. Con lợn nhà tôi đẻ được 12 con, đem thuốc cho thử thì từ đó nó không đẻ nữa. Biết chuyện, bà vợ la tôi ghê lắm", ông nhớ lại.
Nhờ cuốn sách trên, ông mày mò ra được nhiều bài thuốc cổ nhưng chưa bao giờ mưu sinh bằng nghề thuốc. Thỉnh thoảng trong làng có người ốm đau, bị nấm đầu... ông mới mách nước cho tự chữa trị. Hiện nay, 3 con lớn của ông đã lập gia đình, con gái út đang đi học. Vợ ông theo những người dân trong làng lên Hà Nội buôn bán, thỉnh thoảng mới về thăm chồng. Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, bao nhiêu năm nay chỉ có ông Đáo bầu bạn với cái đài cát-sét và những bình thuốc tự ngâm.
Năm 2006, ông Đáo tham gia một cuộc thi về môi trường trên Đài tiếng nói Việt Nam. Ý tưởng chống hạn cho cây hồ tiêu, cà phê của ông được giải ba. Lão nông cười: "Tôi vẫn giữ chiếc phong bì đài tiếng nói gửi về, còn cái ruột thì tôi mua... rượu rồi". Những ngày qua bình thuốc trừ sâu tự chế hết nên ngày 19/2 ông đi tìm thêm một số nguyên liệu ngâm bình thuốc mới cho kịp vụ đông xuân này.
Nhiều lần chứng kiến ông Đáo thử thuốc, ông Lê Văn Dương (54 tuổi) không khỏi khâm phục biệt tài thích mày mò, chế biến của người hàng xóm. "Ông Đáo lạ đời lắm, đi phun thuốc từ 3-4h sáng. Lúc dân làng thức dậy, ông ấy phun xong cả mẫu ruộng về rồi. Nhiều năm trước, tôi đã thấy ông trị sâu bệnh cho lúa bằng thuốc tự chế. Năng suất lúa vẫn cao, chẳng bao giờ ông ấy đi phun mà đeo khẩu trang, quần áo bảo hộ cả".
Ông Nguyễn Xuân Hường, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Khoái Châu, cho biết thêm, địa phương biết chuyện ông Đáo tự chế thuốc trừ sâu cho cây lúa nhiều năm nay. Ngày 18/2, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hưng Yên cùng lãnh đạo huyện đã về gặp ông Đáo nắm bắt tình hình và xin các mẫu thuốc đi thử nghiệm thêm ở các điểm mới, khi xác định được hiệu quả sẽ tiến hành công nhận bằng sáng chế cho ông.
Phan Dương