Cuốn sổ cũ kỹ, nhòe màu ghi họ tên, ngày tháng nhặt được các thai nhi của ông Đinh Văn Trọng (xã Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình) đã kín chữ. Trong hơn 5 năm đi xin xác thai nhi về chôn cất, con số ông ghi lại lên tới cả nghìn trẻ.
“Cháu lớn nhất là 6 tháng, cháu bé nhất mới 3-4 tuần tuổi. Có những hài nhi mới chỉ như giọt máu lờ đờ, chưa rõ hình hài nhưng tất cả chung số phận chưa có ngày sinh đã có ngày tử”, người đàn ông tuổi lục tuần buồn rầu kể.
Ông Trọng ở xã Cồn Thoi, ngoài làm ruộng còn nuôi trồng thủy sản nên công việc bận rộn cả ngày. Một ngày 5 năm trước, ông xem truyền hình và biết được tỷ lệ nạo phá thai của giới trẻ Việt Nam đứng đầu các nước Đông Nam Á. Xác thai nhi sau đó bị vứt bỏ, hầu hết là cho vào thùng rác. “Nghĩ đến đó tôi thương lắm, các cháu bị cha mẹ vứt bỏ lúc còn nằm trong bào thai”, ông Trọng nói.
Bắt đầu công việc ông gặp rất nhiều khó khăn vì các phòng khám tư nhân không hợp tác. Rất nhiều người cho ông có ý đồ xấu hoặc đang theo dõi việc làm ăn của họ nên đuổi đi. Ông Trọng kể phải mất cả tháng trời vừa thuyết phục phòng khám vừa mật phục xem họ vứt thai nhi ở đâu thì tới lấy đem về chôn.
Ông Trọng thường đến các phòng khám trong xã Cồn Thoi, thị trấn Bình Minh và các xã lân cận. “Bây giờ làm quen rồi, các phòng khám đều có số điện thoại của tôi. Khi nào có người phá thai, phòng khám sẽ chủ động gọi đến nhận xác thai nhi đi chôn cất”, ông Trọng nói.
Nhìn những cháu bé còn chưa có ngày sinh đã có ngày tử nhiều lúc ông nghẹn ngào rơi nước mắt. Có thai nhi mới là giọt máu hồng chưa rõ hình hài, có em các bộ phận bằng hạt ngô. “Tôi đem thai nhi về bọc trong khăn rồi quấn túi nylon ở ngoài. Sau đó bỏ vào tủ đông bảo quản, hết một tháng mới tổ chức chôn cất”, ông Trọng nói rồi chỉ tay về chiếc tủ đông.
Sau khi biết việc làm thiện nguyện của ông Trọng, nhiều giáo dân của giáo xứ Cồn Thoi cùng tham gia. Trong nhóm thiện nguyện có cả vợ và các con ông Trọng. Từ đó đến nay, không kể mưa gió, khi có người gọi điện là mọi người thay nhau đến các phòng khám “làm việc”.
Một ngày ông Trọng nhận được 3-4 cuộc gọi. “Có cuộc gọi lúc tôi đang làm đồng, lúc đang ăn cơm, cũng có khi nửa đêm đang ngủ. Không do dự tôi bỏ mọi công việc để đến đón các cháu về, sợ để lâu thai nhi hư hại hoặc lại bị vứt bừa bãi đâu đó”, ông Trọng nói và cho biết thêm cứ sau ngày lễ khoảng một tháng thì số lượng thai nhi bị vứt bỏ ở các phòng khám tư nhân cũng tăng đột biến.
Các thai nhi được đặt những cái tên rất đẹp như Hồng, Hạnh, Hoa, Quang, Quân, Huy… dù không biết chính xác là trai hay gái.
Khu mộ phần của các thai nhi xấu số rộng khoảng 80 m2 nằm trong nghĩa trang xã Cồn Thoi. Đã có hai ngôi mộ chôn gần 500 thai nhi được xây kiên cố, đề số lượng và ngày tháng thu gom được. Trong khu mộ đặc biệt này có hàng chục hố chôn đào sẵn. Hàng tháng nhóm của ông Trọng chôn cất khoảng 30-40 thai nhi một lần. Cứ 3-4 tháng thì đầy một hố, một năm thì xây mộ thai nhi.
“Trước khi đem chôn, chúng tôi làm lễ, đọc kinh, cầu nguyện như nghi thức tiễn biệt những người bình thường khác”, ông Trọng nói.
Ông Nguyễn Minh Lý, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Cồn Thoi cho biết, nhóm thiện nguyện bác ái của ông Trọng hoạt động tự nguyện hơn 5 năm nay. “Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân đạo. Mọi kinh phí để chôn cất hài nhi cũng do các ông bỏ ra hoặc từ nguồn ủng hộ”, ông Lý nói.
Phương Vy