Ông Hoàng Ngọc Trà, 67 tuổi, trú thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, từng tham gia chống Mỹ, là thương binh 3/4. Năm 1978, sau khi kết hôn với bà Phan Thị Lài kém ông 5 tuổi, cả hai chuyển lên vùng đất sình lầy, hoang hóa, cách trung tâm xã Cổ Đạm hàng chục km, để lập nghiệp.
"Nhiều người khuyên từ bỏ, bởi đây là vùng rừng thiêng nước độc. Thời đó khu vực này lác đác vài hộ dân, xung quanh đồng không mông quạnh, rắn rết đầy vườn, nhìn xa về phía tây là rừng núi rậm rạm, có muông thú. Lập nghiệp chỉ với căn nhà tranh hai gian, đôi lúc nghĩ lại thấy mình liều", ông Trà kể.
Bà Lài lần lượt sinh bốn con trai, hai gái, cuộc sống thiếu thốn, bữa rau bữa cháo qua ngày. Đôi lúc thấy bà Lài nản chí, lấp lửng ý định "hay về xuôi, sẽ dễ sống hơn", ông Trà phân tích có thể ban đầu vất vả, nhưng đây là khu vực đầu nguồn, dễ làm nông nghiệp. Nhiều đêm vợ trằn trọc lo nghĩ, ông động viên: "Hãy tin anh, vùng đất này sẽ đẻ ra tiền".
![Ông Hoàng Ngọc Trà cười hiền, kể về thuở khai hoang lập nghiệp hàng chục năm trước. Ảnh: Đức Hùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/29/-6204-1667060802.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4dHZcr8Zsc7TNyCQjNrIHA)
Ông Hoàng Ngọc Trà kể về thuở khai hoang lập nghiệp hàng chục năm trước. Ảnh: Đức Hùng
Nhưng cũng có lúc ông Trà định buông xôi. Năm 1983, cả gia đình bị sốt rét, phải vay mượn chạy chữa. Cùng lúc bão xô đổ nhà tạm và làm hỏng vườn cây. Thấy chồng muốn về làng cũ, bà Lài lại khuyên: "Thôi đã trót vất vả rồi thì mình cứ tiếp thêm vài năm nữa. Nếu không thành công thì tính tiếp cũng chưa muộn".
Với người bình thường chỉ được cấp 2 sào ruộng, ông Trà là cựu binh nên được ưu tiên 4 sào để làm kinh tế mới. Vốn đam mê làm nông nghiệp, ông dành thời gian quan sát vùng đất, chia lô, quy hoạch trồng lúa, lạc, đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả... Suốt 4 năm, vợ chồng ông dùng cuốc cải tạo đất, tranh thủ cả những lúc buổi tối sáng trăng để làm.
Trong lúc chờ mô hình vườn - ao - chuồng cho thu hoạch, hàng ngày ông Trà vào rừng chặt củi, đốt than bán lấy tiền lo cho sinh hoạt gia đình, sắm thêm các vật dụng và nông cụ. Sau ba năm đầu mất mùa, từ năm 1982, ông bắt đầu có vốn từ việc bán lúa, khoai, sắn, lạc. Thấy túp lều tranh ọp ẹp, vợ chồng ông tự đào đất làm gạch, xây được căn nhà cấp bốn năm 1985. Đây là căn nhà xây đầu tiên ở thôn, trở thành chỗ tránh trú cho một số hộ dân mỗi khi xuất hiện bão lũ.
Giai đoạn 1985-1990, ông Trà tiếp tục khai hoang, mở rộng mô hình nông nghiệp, đến nay sở hữu khoảng 27.000 m2 đất. Ưa mạo hiểm, muốn thử thách giới hạn của bản thân, ông Trà nói thấy "ngứa chân, ngứa tay" khi đứng trong vùng an toàn. Vì vậy, năm 1991, thu nhập từ ruộng vườn đang ổn định, ông quyết định chuyển hướng sang nuôi hươu, là người tiên phong trong xã.
![Trang trại trồng cây đào, hoa màu, nuôi cá của ông Trà ở thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm. Ảnh: Đức Hùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/29/-8085-1667060802.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WCifpRXWGYbDxxM12P2Meg)
Trang trại trồng cây đào, hoa màu, nuôi cá của ông Trà ở thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm. Ảnh: Đức Hùng
"Năm đó cả xã chỉ mình tôi có xe máy, nhưng tôi quyết định bán để mua hươu", ông Trà nhớ lại. Đầu tư 58 triệu đồng mua cặp hươu về nuôi lấy sừng, cho sinh sản bán hươu giống, tuy nhiên ông Trà chỉ thuận lợi trong hai năm đầu. Đến năm 1993 bất ngờ hươu trượt giá, phải bán lỗ một con chỉ còn vài triệu đồng.
Chờ khoảng nửa năm, khi thấy thị trường hươu ổn định trở lại, ông Trà vay mượn hơn 100 triệu đồng mua thêm nhiều cặp hươu và thành công trong 5 năm kế tiếp khi con giống và sừng đều bán được với giá cao, sinh lời đều.
Song song với nuôi hươu, giai đoạn năm 1994-2001, ông Trà nhận thêm hàng nghìn mét vuông đất để trồng rừng, đầu tư chuồng trại nuôi lợn, trâu bò, 200 con dê. Dê một năm xuất 40-50 con, cho thu nhập 1,2 triệu đồng/tạ. Đàn trâu, bò mỗi năm có 15 con sinh sản, lợn cũng cho lãi khá, kinh tế gia đình trở lên khấm khá.
Năm 2008, bán hết lứa gia súc, ông Trà khiến mọi người bất ngờ khi không tái đầu tư mà bỏ ra 800 triệu đồng để đào ao, mua 12.000 con ba ba giống về thả. Nhưng vận xui ập đến. Năm 2010, khi ba ba gần cho thu hoạch thì bão đổ bộ huyện Nghi Xuân, gây mưa lớn, ngập lụt diện rộng. Hồ nuôi bị nước tràn vào khiến 2,7 tấn ba ba trôi đi hết, không vớt vát được gì.
"Lứa ba ba đã có đối tác hẹn đến mua, dự kiến thu về khoảng 1,8 tỷ đồng. Đứng nhìn dòng nước lũ trắng xóa, tôi như gục ngã, lần đầu tư này thua lỗ nặng quá. Họ hàng tiếc của thay tôi, nói sao không chăn nuôi gia súc cho an toàn, cứ đưa vợ con ra làm thí điểm để phải chịu khổ", ông Trà kể.
Cảm thấy hết duyên với ba ba, ông Trà sau đó lên kế hoạch chuyển sang trồng hàng chục ha keo tràm và cây hoa đào. Lần này ông bị bà Lài phản đối, nói "nuôi gia súc an toàn hơn, trồng cây biết bao giờ thu lãi". Phân tích nhưng vợ không hiểu, ông nhiều đêm khóc. Thấy chồng quyết tâm, bà Lài phải xuôi theo.
Từ năm 2011 trở đi, ông Trà ở hữu 7 ha keo tràm, khoảng 5 năm cho thu nhập một lần, mỗi vụ lời hàng trăm triệu đồng. Với cây đào, ông đi đến nhiều tỉnh thành mua giống, tìm hiểu cách trồng. Đến nay trang trại có hàng trăm gốc đào các loại, mỗi dịp Tết bung nở, đem cưa cành và bứng cả cây bán, thu về hơn nửa tỷ đồng, trừ hết chi phí lời khoảng 400 triệu đồng. Vào vụ thu hoạch keo và đào, ông thuê khoảng 20 lao động thời vụ, trả công hơn 300.000 đồng một ngày.
![Ngoài trồng cây, ông Trà còn nuôi ong lấy mật để thỏa thú điền viên. Ảnh: Đức Hùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/29/-6149-1667060803.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vTy0LHwqjjPvSZbo5IrI7g)
Ngoài trồng cây, ông Trà còn nuôi ong lấy mật để thỏa thú điền viên. Ảnh: Đức Hùng
Đến nay ông Trà đã trả hết nợ, xây được căn nhà mới hai tầng khang trang, sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền, mua được ôtô 5 chỗ đi lại. 6 người con đã ra riêng, kinh tế ổn định, luôn ủng hộ mọi quyết định táo bạo của bố.
Ông Trà tâm sự, nếu mua đất kiếm lời thì nay vợ chồng đã sở hữu hàng chục miếng đất mặt đường. Nhưng ông không làm, muốn đầu tư vào những thử nghiệm mới để tạo ra các giá trị lâu dài trong nông nghiệp. Ngoài làm giàu cho gia đình, ông muốn chia sẻ kinh nghiệm, góp ý cho nhiều người dân trong vùng bỏ vốn vào ruộng vườn để cải thiện kinh tế. "Tôi luôn muốn đời sống của ai cũng ngang nhau, cùng đi lên để xóm làng phát triển", ông nói.
Lãnh đạo xã Cổ Đạm đánh giá ông Trà rất táo bạo trong làm ăn, luôn tìm cách đổi mới bản thân để làm giàu, hỗ trợ nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. Từ năm 1992 đến nay, ông Trà nhiều lần được các cấp từ địa phương đến Trung ương tặng bằng khen vì làm ăn kinh tế giỏi. Năm 2017, trang trại của ông ở thôn Xuân Sơn đạt giải nhì cuộc thi vườn mẫu của tỉnh Hà Tĩnh.