Ngày 10/6, ông Trịnh Phú Định, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, huyện Bình Sơn cho biết, đã trao giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cho ông Lực, 61 tuổi, để khuyến khích người dân giám sát công trình, khuyến khích giám sát cộng đồng.
"Việc làm của ông Lực đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người dân với các dự án đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng công trình. Đây là điều địa phương hết sức ghi nhận", ông Định nói.
Ông Lực từng bảo vệ tại gói thầu A3 của Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Gói thầu có chiều dài 11 km, trị giá 1.360 tỷ từ vốn vay Ngân hàng thế giới, do Công ty TNHH công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) trúng thầu.
Từng làm nghề xây dựng, ông Lực chứng kiến đơn vị thi công dùng vật liệu không đảm bảo chất lượng, lấy đất sình lầy đắp lên cao tốc, không bóc tách đất phong hóa ở theo quy định... nên đã phản ánh với các kỹ sư nhưng bị bỏ ngoài tai.
Hơn một năm sau, ông Lực bị cho nghỉ việc vì hay xen vào chuyện của nhà thầu. Sau đó, ông mua máy ảnh kỹ thuật số, liên tục lên công trình cao tốc để chụp ảnh, ghi chép, phản ánh với các cơ quan chức năng. Ông phải trả giá bằng việc bị đánh, ném đá vào nhà.
Sau khi đưa vào khai thác từ tháng 9/2018, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tổng đầu tư 34.500 tỷ đồng xuất hiện nhiều vị trí bong tróc, ổ gà. 21 cầu trên đường có hiện tượng nước thấm từ dải phân cách giữa xuống mố trụ; thấm nước mối nối ống thoát nước mặt cầu. Mặt đường tiếp giáp với một số cầu bị lượn sóng, xuất hiện một số vết nứt.
Từ cuối 2019 đến tháng 5 vừa qua, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC và 9 cán bộ bị bắt và khởi tố vì Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau 5 năm canh giác đường cao tốc tỷ đô, ông Lực dự một buổi lễ khen thưởng lặng lẽ. "Khi bắt đầu canh giác cao tốc, tôi không nghĩ đến chuyên khen thưởng. Tôi mong rằng việc làm của mình sẽ khuyến khích người dân mạnh dạn giám sát, tố cáo tiêu cực", ông Lực nói.