Thủ tướng Lào Thongloun trong cuộc phỏng vấn với báo Nikkei Asian Review của Nhật Bản "kêu gọi những nước có liên quan tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp hòa bình" đối với các tranh chấp ở Biển Đông.
Phát biểu ông Thongloun đưa ra có ý nghĩa quan trọng vào lúc này bởi Lào hiện là chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
"Với tư cách chủ tịch ASEAN, Lào sẽ nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi cho những cuộc đối thoại tích cực giữa các quốc gia liên quan", ông Thongloun nói, đồng thời yêu cầu các nước kiềm chế, tránh thực hiện các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Bắc Kinh còn cải tạo đất, xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, biện hộ rằng các cơ sở nhằm phục vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển và mang lại lợi ích cho cả những nước khác.
Việt Nam khẳng định việc chiếm đóng của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các đá ở Trường Sa là vô giá trị, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Philippines sử dụng công cụ pháp lý, đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague (La Haye), Hà Lan, từ tháng 1/2013, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Philippines cũng khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải.
Philippines đang đề nghị ASEAN đưa ra một tuyên bố chung liên quan tới phán quyết của tòa nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết trong khối. Tuy nhiên, ông Thongloun thể hiện một thái độ thận trọng trong việc phát đi một tuyên bố chung như vậy. Thủ tướng Lào cho rằng các nước ASEAN cần "đánh giá tình hình một cách thận trọng"
Vũ Hoàng