Ngày 18/7, lần đầu tiên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động trước khi xuất khẩu. Ngoài ngoại ngữ là nội dung bắt buộc, lao động phải trải qua khóa huấn luyện khá bài bản.
Cụ thể, lao động ra nước ngoài có nhiệm vụ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Họ được phổ biến kiến thức về pháp luật lao động, hình sự, dân sự, hành chính của cả Việt Nam và nước tiếp nhận; hướng dẫn nội quy về trang thiết bị bảo hộ và cách sử dụng, các dạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cách phòng tránh.
![]() |
Lao động học ngoại ngữ trước khi đi xuất khẩu. Ảnh: Hồng Khánh. |
Chương trình lần này sẽ hướng dẫn cẩn thận cho lao động cách ứng xử và trình tự giải quyết những vấn đề phát sinh trong quan hệ với chủ sử dụng, với đại diện công ty môi giới và đại diện doanh nghiệp đưa đi; cách ứng xử với lao động cùng làm việc trong nhà máy, nhất là với người khác quốc tịch.
Sau giờ làm việc, lao động Việt Nam thường mắc các lỗi như uống rượu, cờ bạc, đánh nhau, quan hệ trai gái. Lần này, Bộ Lao động quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: cờ bạc, uống rượu, đánh chửi nhau, tàng trữ và phân tán ấn phẩm đồi trụy. Các điều cấm kỵ như nấu rượu, bắt và giết chó, mèo, chim đều được hướng dẫn.
Sau một số vụ lao động bị xâm hại tình dục ở Đài Loan, trong chương trình mới này lao động sẽ được hướng dẫn cách phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và cả những thủ đoạn lừa đảo, trộm cướp, bạo lực, lôi kéo bỏ hợp đồng trốn ra ngoài làm ăn phi pháp.
Việc ban hành quy chuẩn này nhằm phòng tránh rủi ro, chuyên nghiệp hóa lao động xuất khẩu và nâng cao hình ảnh lao động Việt Nam trong mắt đối tác nước ngoài. Hiện Việt Nam có 400 nghìn người đang làm việc ở khoảng 40 nước và vùng lãnh thổ, tập trung nhiều nhất ở thị trường Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và gần đây là Trung Đông. Mỗi năm, xuất khẩu 70-75 nghìn người.
Hồng Khánh