Tại cuộc trao đổi với báo chí sáng nay, ông Hòa khẳng định, trong 5 biện pháp (gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính) quy định tại điều 22 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì đưa vào cơ sở giáo dục là tối ưu nhất. "Biện pháp này vừa mang tính giáo dục, vừa răn đe, cưỡng chế đối với lao động vi phạm. Chúng tôi sẽ cố gắng trình Chính phủ trong quý I/2005", ông nói.
Hiện nay bỏ trốn đã trở thành vấn nạn trong xuất khẩu lao động. Các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ngay cả Anh, doanh nghiệp Việt Nam mới đưa đi được vài trăm trường hợp, nhưng đã có người trốn. Căng thẳng nhất hiện nay là thị trường Đài Loan. Khu vực này 2 năm liên tục đe dọa ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. "Không ai dám chắc giữ được thị trường đến hết quý I. Điều đáng buồn là dù Đài Loan truy quét gắt gao, nhưng lao động ta tiếp tục trốn. Số trốn mới còn nhiều hơn số đưa về", ông Hòa than phiền. Trong 2 tháng 11-12/2004, Việt Nam đã tìm được 900 lao động trốn và đưa về nước 450 người.
Cùng với việc xây dựng nghị định, để hạn chế lao động bỏ trốn, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang cố gắng giảm chi phí đưa người sang làm việc tại Đài Loan, Malaysia bằng cách thương thuyết giảm phí môi giới. Theo đó, số tiền một người phải nộp để đi làm việc ở Malaysia sẽ chỉ 12 triệu đồng, giảm 4 triệu so với hiện nay.
Như Trang