Bà Nguyễn Thị Xuân Nga, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội của Tổng Liên đoàn lao động VN, phân tích: sức cạnh tranh của hàng hoá VN trên thị trường thế giới còn yếu, số doanh nghiệp nhỏ có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65%, trình độ kỹ thuật công nghệ lại lạc hậu. Vì thế, khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhiều doanh nghiệp VN phải chuyển đổi sản xuất kinh doanh, thu hẹp sản xuất hoặc giải thể. Điều này dẫn tới một số lượng lớn lao động lâm vào tình trạng thất nghiệp. "Đây là mối lo ngại nhất của người lao động VN khi gia nhập WTO", bà Nga khẳng định.
Một mối lo khác theo bà Nga cũng không kém phần quan trọng đó là khi gia nhập WTO, sự phân hoá giàu nghèo trong người lao động ngày càng rõ rệt. Sự mở cửa, hội nhập sẽ tạo cơ hội cho đội ngũ lao động trẻ, có sức khỏe, học vấn và tay nghề cao vươn lên tiếp cận các hoạt động sản xuất ở trình độ cao. Mức thu nhập của bộ phận này sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện nay. Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận công nhân thất nghiệp do bị đào thải bởi quá trình chuyển đổi sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Nam, Viện nghiên cứu thương mại, cũng cho rằng, khi gia nhập WTO, lĩnh vực lao động và việc làm sẽ có nhiều biến động. Việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế gây ra tình trạng dôi dư nhân công tạm thời, những người kém tay nghề hoặc không qua đào tạo ở một số ngành sẽ bị loại. Tuy nhiên, ông Nam khẳng định: gia nhập WTO là xu thế tất yếu khách quan, nó sẽ nâng vị thế VN trên thị trường quốc tế, giúp mở rộng thị trường, phát triển kinh tế, tăng thu hút đầu nước ngoài, tạo cơ hội tiếp thu khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý... Ông nói thêm: "Thách thức của chúng ta rất lớn, nhưng không phải không vượt qua được. Suy cho cùng vượt qua những thách thức đó cũng là vượt qua chính mình để lớn lên và phát triển cùng thế giới hiện đại".
Làm thế nào để hạn chế tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực tới người lao động khi VN gia nhập WTO, đó là vấn đề được các nhà khoa học, nhà làm chính sách dành nhiều sự quan tâm. Ông Nguyễn Văn Nam đề xuất cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của hàng hoá và dịch vụ; phát triển đồng bộ các thị trường hàng hoá, tiền tệ, tài chính, khoa học, đặc biệt là thị trường lao động. Theo ông Nam thì doanh nghiệp và người lao động cần chú trọng nâng cao tay nghề, khả năng cạnh tranh, đào tạo nhân lực.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng VN phải nâng cao chất lượng lao động, đầu tư vào nguồn vốn con người và nâng cao năng lực công nghệ để có thể tiếp thu được công nghệ hiện đại qua hoạt động kinh tế đối ngoại như FDI, xuất nhập khẩu. "Đây được coi là nhiệm vụ cấp bách ở tầm vĩ mô", bà Tuệ Anh khẳng định. Ngoài ra, bà Tuệ Anh cho rằng nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách bảo hiểm hưu trí, thất nghiệp, tai nạn lao động và một số thể chế xã hội khác nhằm phòng tránh rủi ro cho người lao động.
Như Trang