Khi Dung Nguyen rời Việt Nam sang nước ngoài lao động, người đàn ông 37 tuổi cho hay được hứa hẹn làm việc cho một công ty Đức ở Serbia. Tuy nhiên, cuối cùng anh được đưa tới một nhà máy Trung Quốc và bị thu hộ chiếu.
Nguyen và hàng trăm lao động Việt hôm 17/11 bắt đầu đình công phản đối điều kiện sinh hoạt và làm việc tại nhà máy Trung Quốc, thu hút sự chú ý của các nhóm nhân quyền và báo chí. Công nhân Việt Nam được thuê để xây dựng nhà máy cho công ty sản xuất lốp xe Linglong tại Zrenjanin, thành phố nhỏ ở phía bắc Serbia, nơi được coi là trung tâm đầu tư của Bắc Kinh tại quốc gia này.
Nguyen cho hay điều kiện sống và làm việc trong công trường không đảm bảo, cũng không giống những gì họ hứa hẹn khi tuyển dụng.
"Chúng tôi đang sống như trong tù. Hộ chiếu bị người Trung Quốc giữ ngay khi xuống sân bay", Nguyen nói trong video gửi đi từ khu vực sinh hoạt. "Tôi không thể nói nhiều hơn vì sợ làm ảnh hưởng tới người khác".
Trước khi cuộc đình công diễn ra, bảo vệ canh gác gần khu ký túc xá công nhân bên cạnh nhà máy, phóng viên bị ngăn tiếp cận. Tổ chức nhân quyền A11 và ASTRA hồi đầu tuần ra báo cáo chung, yêu cầu giới chức Serbia "hành động khẩn cấp".
"Nhiều dữ liệu cho thấy những công nhân này có thể là nạn nhân của nạn buôn người vì mục đích bóc lột sức lao động", trích báo cáo.
Theo đó, lao động Việt không được cung cấp hệ thống sưởi, điện hay nước nóng. Cơ sở vật chất hạ tầng và điện nước thiếu thốn. Danilo Curcic, luật sư nhân quyền của A11, cho hay "điều kiện ở đây không phù hợp cho con người sinh hoạt".
A11 cho biết công nhân xây dựng tại Zrenjanin đã tổ chức hai cuộc đình công trong 6 tháng qua vì không được trả lương và cung cấp thực phẩm đầy đủ. Một bộ phim tài liệu ngắn do N1 phát sóng trong tháng này cũng cho thấy người lao động sống trong điều kiện chật chội bên trong khu ký túc xá tạm bợ.
"Không thể chấp nhận được một quốc gia tiềm năng trở thành thành viên EU lại để mặc tình trạng này trên lãnh thổ và giữ im lặng trước các trường hợp có thể là lao động cưỡng bức ở châu Âu", Viola von Cramon, thành viên Nghị viện châu Âu, chỉ trích.
Linglong cho hay không trực tiếp tuyển dụng lao động Việt mà thông qua một nhà thầu phụ Trung Quốc.
"Nghĩa vụ duy nhất của Linglong với nhà thầu phụ là trả tiền theo điều khoản hợp đồng", công ty tuyên bố, nói thêm đang lên kế hoạch thảo luận với các nhà thầu phụ để "thông báo cho họ biết các giá trị mà công ty đề cao" và yêu cầu chuyển công nhân tới "nơi ở tốt hơn".
Linglong không phản hồi yêu cầu bình luận thêm của AFP.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 18/11 cho hay đã liên hệ với đại sứ quán Việt Nam tại Rumani kiêm nhiệm Serbia và đang xác minh thông tin mà báo chí phản ánh.
"Thông tin bước đầu của đại sứ quán cho biết không có chuyện bị hành hung hay đánh đập", bà Hằng nói, cho biết đại sứ quán đang theo sát tình hình, liên hệ cơ quan chức năng sở tại và có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích, an toàn cho lao động Việt Nam tại Serbia.
Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD vào Serbia và các nước láng giềng vùng Balkan trong những năm gần đây, với hy vọng mở rộng ảnh hưởng kinh tế tại Trung Âu. Serbia nỗ lực thu hút sự quan tâm và đầu tư từ Trung Quốc, nhưng Belgrade nhiều lần bị cáo buộc mặc cho các công ty Trung Quốc tự do hoạt động, làm ngơ trước những lo ngại về môi trường và vi phạm nhân quyền.
Giới chức Serbia bác bỏ cáo buộc nhằm vào Linglong. Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cho biết công nhân Việt Nam đang được chuyển tới chỗ ở phù hợp hơn.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic mở rộng quan hệ với Bắc Kinh từ khi lên nắm quyền, khẳng định tình hữu nghị giữa hai quốc gia "vững như thép". Serbia là một trong những nước đầu tiên ở châu Âu nhận vaccine Covid-19 của Trung Quốc. Vucic đã hôn quốc kỳ Trung Quốc năm ngoái sau khi nhận được vật tư y tế mà Bắc Kinh gửi đến khi dịch mới bùng phát.
Hồng Hạnh (Theo AFP)