Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá Covid-19 đã khiến số giờ làm bị giảm nghiêm trọng, dẫn đến mức sụt giảm "khổng lồ" về thu nhập của người lao động trên toàn thế giới. Theo đó, thu nhập từ lao động đã giảm 10,7% trong ba quý đầu năm (tương đương 3.500 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.
Con số này chưa bao gồm hỗ trợ thu nhập thông qua các biện pháp của chính phủ. Mức sụt giảm lớn nhất ghi nhận được là ở các nước thu nhập trung bình thấp, với tổn thất thu nhập từ lao động lên tới 15,1%. Tính theo khu vực, châu Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức tổn thất 12,1%.
So với công bố cuối tháng 6, báo cáo lần này của ILO cho thấy tổn thất về thời gian làm việc toàn cầu cao hơn đáng kể. Tổng số giờ làm việc trong quý II/2020 giảm 17,3% so với quý IV/2019. Nếu giả định một lao động làm việc 48 giờ mỗi tuần, 459 triệu việc làm toàn thời gian đã mất đi.
Con số ước tính đưa ra cuối tháng 6 là 14%, tương ứng 400 triệu việc làm toàn thời gian. ILO dự báo mức tổn thất về giờ làm việc toàn cầu của quý III là 12,1%, tương đương 345 triệu việc làm toàn thời gian.
Triển vọng cho quý IV cũng xấu hơn đáng kể. Ước tính tổn thất giờ làm lên đến 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 245 triệu việc làm. Trước đó, ILO dự báo chỉ tổn thất khoảng 4,9%, tức 140 triệu việc làm.
Nguyên nhân làm tăng tổn thất giờ làm là người lao động ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, đặc biệt là nhóm người làm công việc phi chính thức, bị ảnh hưởng mạnh hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.
ILO cũng nhấn mạnh việc đình trệ trong hoạt động, chứ không phải thất nghiệp, là lý do khiến mức tổn thất nặng nề hơn. 94% người lao động vẫn làm việc ở các quốc gia hiện áp dụng quy định hạn chế tại nơi làm việc. 32% lao động làm việc ở các nước đang bắt buộc đóng cửa toàn bộ nơi làm việc, trừ những cơ sở thiết yếu.
Báo cáo của ILO cũng xét đến tính hiệu quả của các chính sách kích thích tài khóa trong việc giảm thiểu tác động đối với thị trường lao động. Tại các quốc gia có đầy đủ số liệu cho quý II, gói kích thích tài khóa càng lớn (tính theo % GDP), mức tổn thất thời giờ làm việc càng thấp. ILO cho biết bổ sung khoản kích thích tài khóa tương đương 1% GDP hàng năm trên toàn cầu sẽ giúp giảm thêm 0,8% mức tổn thất việc làm.
Dù vậy, các gói kích thích tài khóa này chủ yếu được triển khai ở các nước thu nhập cao. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển, không có đủ khả năng tài chính cho những biện pháp này.
Để đạt được tỷ lệ kích thích tài khóa so với tổn thất thời giờ làm việc như các nước thu nhập cao, các nước đang phát triển cần phải bơm thêm 982 tỷ USD (gồm 45 tỷ USD ở các nước thu nhập thấp và 937 tỷ USD ở các nước thu nhập trung bình thấp). Khoảng trống trong kích thích tài khóa đối với các nước thu nhập thấp chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị các gói kích thích tài khóa mà các nước thu nhập cao công bố.
ILO cho biết khoảng trống về kích thích tài khóa còn đáng lo ngại hơn, xét đến sự thâm hụt về bảo trợ xã hội ở nhiều nước đang phát triển. Một số nước còn phải điều chỉnh lại chi tiêu công từ các mục tiêu khác, nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này tới thị trường lao động.
Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nhận định cần phải hành động nhanh chóng ở quy mô lớn nhằm khắc phục những tác động về kinh tế, xã hội và việc làm mà Covid-19 gây nên. Điều này bao gồm cả hỗ trợ duy trì việc làm, công việc kinh doanh và thu nhập.
Theo ông, vào thời điểm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang họp tại New York, cộng đồng quốc tế cần vạch ra chiến lược toàn cầu cho quá trình phục hồi thông qua đối thoại, hợp tác và đoàn kết. "Không một nhóm nào, một quốc gia nào hay khu vực nào có thể đơn phương trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng này", ông nói.
Phương Ánh