Cụ thể là những khoản nào? Xin tư vấn giúp tôi.
Độc giả Ngọc Loan
Nội dung tư vấn
Nghị quyết kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 chính thức thông qua nội dung tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, từ ngày 1/7/2024. Theo đó, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội tính theo mức lương cơ sở sẽ tăng kể từ thời điểm này, trong đó có chế độ dành cho lao động nữ sinh con.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản bao gồm:
- Tiền hưởng chế độ thai sản = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản x 6 tháng.
- Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.
Kết thúc thời gian nghỉ thai sản, trong vòng 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì lao động nữ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày tùy trường hợp, cụ thể như sau:
- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
- Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
- Tối đa 5 ngày đối với các trường hợp khác.
Lưu ý: Số ngày nghỉ hưởng chế độ này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng không được vượt quá quy định nêu trên. Mỗi ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được nhận 30% mức lương cơ sở.
Như vậy, lao động nữ sinh con từ sau ngày 1/7/2024 được nhận thêm tiền, bao gồm các khoản trợ cấp một lần khi sinh con và chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.
Để giúp bạn đọc dễ hiểu về khoản tiền được nhận thêm nếu sinh con từ sau ngày 1/7/2024, dưới đây là ví dụ minh họa:
Trường hợp 1: Chị Phương sinh một con vào ngày 28/12/2023 theo phương pháp sinh thường. Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ sinh con của chị là 7 triệu đồng. Vì vậy, chế độ thai sản khi sinh con của Phương được tính như sau:
- Tiền hưởng chế độ thai sản = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản x 6 tháng = 7 triệu đồng x 06 tháng = 42 triệu đồng.
- Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con = 2 x 1,8 triệu đồng = 3,6 triệu đồng
Tổng cộng, chị Phương được nhận 45,6 triệu đồng tiền hưởng chế độ thai sản.
Sau 6 tháng nghỉ thai sản, nếu chị Phương cảm thấy sức khỏe chưa thể phục hồi thì có thể đề nghị nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản với thời gian nghỉ tối đa là 5 ngày.
Số tiền hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 5 ngày x 30% x 1,8 triệu đồng = 2,7 triệu đồng.
Trường hợp 2: Chị Tâm dự kiến sinh con vào ngày 10/7/2024 theo phương pháp sinh thường. Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ sinh con của chị Tâm là 7 triệu đồng. Chế độ thai sản khi sinh con của chị Tâm được tính như sau:
- Tiền hưởng chế độ thai sản = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản x 6 tháng = 7 triệu đồng x 6 tháng = 42 triệu đồng.
- Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con = 2 x 2,34 triệu đồng = 4,68 triệu đồng.
Tổng cộng, chị Tâm sẽ được nhận 46,68 triệu đồng tiền hưởng chế độ thai sản.
Tương tự với trường hợp của chị Phương, sau khi kết thúc 6 tháng nghỉ hưởng chế độ thai sản, nếu chị Tâm vẫn chưa thể phục hồi sức khỏe thì có thể đề nghị được nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản với thời gian tối đa 5 ngày.
Số tiền hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 5 ngày x 30% x 2,34 triệu đồng = 3,51 triệu đồng.
Thạc sĩ luật Nguyễn Trúc Anh