Đây là nội dung Nghị định 95 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Những trường hợp bị xử phạt thuộc 3 nhóm: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; Nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng. Hình thức xử phạt là phạt tiền 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, người lao động vi phạm còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài từ 2-5 năm.
Theo thông tư hướng dẫn thi hành nghị định này, nếu quyết định xử phạt không thể giao trực tiếp cho người vi phạm thì sẽ được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú của người bị xử phạt trước khi đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi đã ra quyết định xử phạt và được gửi cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh (nếu có).
Trường hợp người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành thì có thể bị cưỡng chế thi hành. Số tiền phạt được chuyển vào kho bạc Nhà nước.
Trước đó, thời điểm bắt đầu xử phạt đã được lui từ 10/1 đến 10/3. Lý do vì có nhiều lao động có nguyện vọng về nước nhưng không kịp về đúng hạn bởi nguyên nhân khách quan.
Thực tế, trong 2 tháng qua, số lao động về nước tiếp tục tăng cao, có những địa phương lao động về nước lên tới hàng trăm người. Chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, gần 3.000 lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã về nước. Tại Đài Loan, trong tháng 12/2013 đã có 1.300 lao động đăng ký về nước.
Khoảng 50.000 lao động Việt Nam đang bỏ trốn, cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, đông nhất là Hàn Quốc và Đài Loan, mỗi thị trường khoảng 15.000 người; kế đến là Malaysia, Nhật Bản... Riêng năm 2014, lượng người lao động tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng là hơn 3.500 người.
Phương Trang