Ông Đào Văn Thư, chuyên viên Tổng liên đoàn lao động VN, cho biết, lý do chính khiến lao động rời bỏ đồng bằng sông Hồng là đất chật, người đông. Lao động rời bỏ quê quán để tìm việc làm và cải thiện điều kiện sống. Phần lớn đã tìm được việc với mức thu nhập tốt hơn nhiều trước khi di cư, nhưng vẫn thấp hơn lao động địa phương 20%.
![]() |
Với mức lương ngành may chỉ 1,1-1,2 triệu đồng một tháng, doanh nghiệp TP HCM không thể thu hút lao động thành phố, phải lấy lao động từ tỉnh khác. Ảnh minh họa của Hoàng Hà. |
Hiện 154 khu công nghiệp cả nước đã thu hút khoảng một triệu lao động, trong đó 2/3 là người di cư từ tỉnh khác, hoặc từ huyện khác đến. Họ đã góp phần phát triển kinh tế ở những tỉnh thành di cư đến, giảm sức ép việc làm trong nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, họ cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
"Lao động di cư đến các khu công nghiệp phải sống tạm bợ trong các khu nhà trọ chật chội, đời sống vật chất, tinh thần thiếu thốn. Một số sa vào con đường tệ nạn, như nghiện hút, mại dâm, một số trở thành nạn nhân của những kẻ buôn bán người", ông Thư nói.
Tại một hội nghị mới đây do Tổng liên đoàn lao động VN tổ chức, nhiều đại biểu đã cho rằng chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã không đánh giá đúng vai trò của lao động di cư, không trả công xứng đáng cũng như không có biện pháp bảo vệ họ. Một số nơi còn đối xử thiếu công bằng với lao động di cư.
Bà Elsa Ramos-Carbone, chuyên gia của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khẳng định trong xu hướng toàn cầu hóa, việc lao động di cư là tất yếu. "Không thể chống lại xu hướng đó, chỉ có thể điều tiết, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Muốn giải quyết tốt điều này thì phải tôn trọng quyền của lao động di cư", bà Elasa nói.
Hồng Khánh