Tiềm lực giúp đưa Lào Cai thành trung tâm logistics
Với lợi thế địa lý nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lào Cai trở thành cầu nối quan trọng, giúp việc trung chuyển giữa Việt Nam với các tỉnh, thành phía Nam Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu, Trùng Khánh. Đây được xem là yếu tố quan trọng giúp đưa tỉnh này thành trung tâm logistics của Việt Nam, nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư.
Chính phủ cũng có nhiều chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc cho khu vực này nhằm thúc đẩy giao thương. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng với tổng diện tích sau khi mở rộng hơn 15.929 ha; xác định khu Kim Thành - Bản Vược là trọng tâm phát triển kinh tế cửa khẩu.
Năm 2014, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác được xem như một phần động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả dịch vụ logistics, cho không chỉ Lào Cai mà cả khu vực Tây Bắc. Hạ tầng nâng cấp giúp rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông từ Hà Nội về trung tâm tỉnh chỉ còn gần ba tiếng so với trước đây.
Từ đó, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu cũng tăng lên đáng kể. Năm 2016, sản lượng khai thác hàng hóa vận chuyển xuyên tỉnh đạt trên 3,3 triệu tấn, vượt mốc 5,6 triệu tấn chỉ sau ba năm (2019). Số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh gồm vận tải hàng hóa đường bộ, kho bãi, bưu chính, chuyển phát... cũng tăng lên 200 đơn vị.
Dựa trên chủ trương phát triển logistics của Chính phủ, cùng vị trí thuận lợi trên tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, tỉnh này dự kiến tiếp tục mở rộng hợp tác, đưa Lào Cai - Vân Nam thành trung tâm vận chuyển giữa tiểu vùng Mekong mở rộng và khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.
Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ từ năm 2022
Bên cạnh những lợi thế sẵn có, chính sách hỗ trợ, đầu tư nâng cấp hạ tầng của Chính phủ cũng góp phần đưa logistics tại Lào Cai "cất cánh". Cụ thể, ngày 3/3, Thủ tướng đã phê duyệt khởi công xây dựng sân bay Sa Pa, chia làm hai giai đoạn từ năm 2021 và 2028. Sau khi hoàn thành, việc chuyển hàng hóa mở rộng thêm đường không, rút ngắn đáng kể thời gian giao vận.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai tiếp tục phát triển nút giao thông mới tại Phố Lu (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), đưa vào khai thác từ 30/4, giúp kết nối tỉnh lộ 152 với các huyện phía Nam của tỉnh và Hà Giang. Hạ tầng cải thiện không chỉ giúp logistics Lào Cai phát triển mà cả 13 tỉnh vùng núi phía Bắc cũng hưởng lợi.
Song song với các chính sách đầu tư hạ tầng, Chính phủ cũng đặt ra cho tỉnh những mục tiêu ngành logistics cụ thể đến năm 2025, gồm: giảm chi phi; tăng chỉ tiêu doanh thu, khối lượng; khai thác thêm hạ tầng dịch vụ cơ bản, thiết yếu...
Cụ thể, đến năm 2025, Lào Cào được đề xuất phấn đấu giảm 10% chi phí giao thông vận tải, đưa mức chi phí ngành này xuống còn khoảng 90% so với hiện tại. Chỉ tiêu doanh thu từ logistics kỳ vọng đến 2025 có tỷ trọng đóng góp vào GRDP đạt 8%10% với tốc độ tăng trưởng đạt 15%-20%.
Khối lượng vận tải hàng hóa bình quân đạt trên 15 triệu tấn một năm. Trong đó khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm khoảng 60%. Ngoài ra, chính phủ cũng đặt mục tiêu khai thác một số hạ tầng dịch vụ logistics cơ bản, thiết yếu như trung tâm logistics hạng II, nâng cấp hệ thống kho bãi, trung tâm tiếp vận, kho chuyên dụng...
Doanh nghiệp logistics rót vốn đầu tư
Với những tiềm năng và lợi thế kể trên, Lào Cai ngày càng thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp logistics nội địa lẫn quốc tế. Trong đó có Logistics Kim Thành với vốn đầu tư 171 tỷ đồng, xây dựng trung tâm logistics ngay tại khu thương mại công nghiệp của doanh nghiệp này. Chức năng chính là triển khai hoạt động logistics và các dịch vụ liên quan. Trung tâm này đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN với khu vực Tây Nam - Trung Quốc.
Với định hướng đưa dịch vụ chuyển phát nhanh thương mại điện tử phát triển đến mọi địa phương vùng núi phía Bắc, tháng 7/2021, BEST Express đã đưa vào vận hành một số trung tâm phân loại tự động quy mô nhỏ tại các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang... Mỗi trung tâm đều trang bị dây chuyền xử lý hàng hóa hiện đại. Công suất xử lý chỉ trong 0,5 đến 2 giây cho một kiện hàng.
Bên cạnh đó, đội xe tải cỡ lớn chuyên chở hàng hóa và các bưu cục nhượng quyền của BEST trong khu vực cũng tích cực hoạt động. Các đơn vị này mới đây ghi nhận tăng gần 3 triệu đơn hàng chỉ trong 3 tháng đầu năm mới. BEST Express thể hiện mong muốn mở rộng thị trường ra toàn khu vực này bằng việc tìm kiếm thêm nhiều đối tác nhượng quyền tiềm năng.
"Lào Cai giàu tiềm năng khai thác logistics cũng như dịch vụ chuyển phát nhanh thương mại điện tử nhờ các lợi thế kết nối, giáp biên giới, cừa khẩu, riêng địa phận Thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng đã chiếm 50% sản lượng khai thác toàn tỉnh. Tổng bình quân lượng hàng khai thác hàng ngày trong khu vực mùa thấp điểm đã 10.000 đơn. Các tháng mua sắm cuối năm có thể chạm mốc 30.000 đơn một ngày. Với các chính sách đầu tư, phát triển của Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc có thể bứt phá, mang nguồn lợi to lớn cho các doanh nghiệp logistic", đại diện BEST Express cho biết.
Nguyệt Di