Sáng 16/1, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác văn hoá, thể thao, du lịch năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015, TS dân tộc học Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hoá Lào Cai đề nghị sửa một số điều trong Luật Du lịch, vì còn nhiều bất cập, nhất là với các tỉnh vùng núi như Lào Cai.
Ông dẫn chứng về quy định thuyết minh viên phải có bằng đại học và chỉ được hoạt động ở địa bàn dân cư của mình. Trong khi đó, 200 thuyết minh viên của Lào Cai đều là người dân tộc thiếu số, mới học hết lớp 7 nhưng nói tiếng Anh rất tốt. Bản thân họ không chỉ thuyết minh sinh động về văn hoá ở bản làng mình mà của cả vùng lân cận, nơi đồng bào dân tộc mình sinh sống.
“Không ai nói về người Mông tốt hơn người Mông, dù họ chưa có bằng đại học. Các cháu nhỏ và người dân ở đây có thể nói tiếng Kinh chưa sõi, nhưng tiếng Anh lại rất tài. Công ty du lịch do đó rất thích để đồng bào dân tộc thiểu số làm thuyết minh viên”, ông Sơn chia sẻ.
Nhận thấy những bất cập trên của Luật du lịch, nhiều năm qua Giám đốc Sở Văn hoá Lào Cai đã “bật đèn xanh” cho các thuyết minh viên dân tộc thiểu số "vượt rào lách luật". Ông Sơn cho phép họ được hoạt động khắp tỉnh, không quy định trình độ văn hoá. “Tôi sẽ là người chịu trách nhiệm nếu ai ý kiến về quyết định này. Nhưng có lẽ chẳng ai ý kiến gì đâu vì mình làm có tâm, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển”, Giám đốc Sơn nói.
Điểm bất cập thứ hai trong Luật Du lịch, theo ông Sơn là chưa có chế tài xử lý vi phạm trong bảo vệ tài nguyên du lịch. Bởi lý do này nên đã có nhiều người, nhiều công ty vì lợi nhuận mà bỏ qua việc bảo vệ tài nguyên. Tỉnh Lào Cai trước đây từng quy hoạch 19 thuỷ điện, nhưng khi xây đến cái thứ 5 đã cho dừng vì nhận ra nó gây tác động tiêu cực cho du lịch.
Theo TS Hữu Sơn, muốn phát triển bền vững phải căn cứ vào tiềm năng và tài nguyên của từng vùng cụ thể. Ví dụ Sa Pa có lợi thế về du lịch thì phải để phát triển du lịch chứ không phải khai khoáng. Hay như Quảng Ninh đã chọn vịnh Hạ Long chứ không phải than, dù có rất nhiều than, để phát triển tỉnh mình.
“Du khách đến Lào Cai vì 2 yếu tố tài nguyên tự nhiên và bản sắc dân tộc. Nếu chúng ta gìn giữ, phát huy được những nét đẹp đó thì còn thu hút được du khách. Muốn làm việc đó, trước hết Luật phải thay đổi, để bảo vệ chủ nhân thực sự của vùng đất này - người dân tộc thiểu số”, TS Sơn nói và cho hay năm 2014 Sa Pa đã thu hút 1,5 triệu du khách, trong đó một nửa là người nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với các vướng mắc của địa phương trong công tác du lịch, song cho rằng thay đổi luật cần có thời gian. Trước mắt nên làm tốt những cái có hiệu quả tức thì như: xử lý tình trạng vẫy, ép khách vào quán, vệ sinh môi trường khu vực tham quan.
Quỳnh Trang