- Trước khi ông Nhất bị bắt, đã bao giờ ông nghi ngờ có “bàn tay vô hình” nào đó của đường dây chạy án này can thiệp vào một số vụ án thuộc trách nhiệm giải quyết của Viện?
- Tất cả những vi phạm của ông Nhất, chúng tôi được biết thông qua tài liệu do cơ quan điều tra cung cấp, công văn của VKSND Tối cao chỉ đạo. Chúng tôi chỉ là cơ quan quản lý, không thể biết hết những việc này được.
- Ông Nhất khi là Viện phó VKSND quận Hai Bà Trưng từng bị kỷ luật vì liên quan đến 7 vụ án oan sai. Tại sao ông Nhất được đưa về VKS thành phố năm 1993, 3 năm sau lại được đề đạt Trưởng phòng Kiểm sát giam giữ - cải tạo?
- Cái đó là do công tác tổ chức, xin phép chưa trả lời.
- Vậy lần này xử lý ông Nhất, có lật lại những việc đó không?
- Thời gian ông Nhất công tác trong ngành kiểm sát khá dài, qua nhiều đơn vị khác nhau. Đánh giá đúng, sai, tốt, xấu cần phải sự xem xét của tập thể lãnh đạo Viện, Ban cán sự và Đảng ủy. Yêu cầu nhận xét ngay về một cán bộ, tôi e không chính xác.
Lãnh đạo của ông Nhất đã làm gì?
- Sau khi báo chí lên tiếng về việc ông Nhất, lãnh đạo VKSND Hà Nội đã họp bàn về việc trả lời cho cơ quan báo chí. VKSND Tối cao cũng có văn bản chỉ đạo việc này.
- Viện trưởng Tối cao đã có Công văn 1004 ngày 14/5 yêu ông Vượng chỉ đạo ông Nhất tường trình về những việc mà báo chí nêu. Cuối buổi chiều, tường trình của ông Nhất đã được gửi tới Viện trưởng VKSND Tối cao Hà Mạnh Trí.
- Hôm 15/5, VKSND Tối cao chuyển VKS Hà Nội văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu VKSND Tối cao, Đảng ủy VKS Hà Nội làm tạm thời đình chỉ sinh hoạt Đảng và đình chỉ công tác với ông Nhất. Việc này đã được tiến hành.
- Chiều 15/5, ông Nhất bị bắt giữ.
- Hôm nay, VKSND Hà Nội sẽ tổ chức giao ban toàn đơn vị, thông báo những tài liệu đầu tiên về sai phạm của ông Nhất.
- Về tài sản, nhà cửa của anh Nhất, nói thật, chúng tôi chưa kiểm kê và cũng chưa có sự chỉ đạo phải kiểm kê. Hiện nay, Thành ủy và VKSND Tối cao chưa có hướng dẫn kê khai tài sản đối với cán bộ của VKSND Hà Nội, nên tôi chưa thể trả lời gì về việc này.
- Ông Nhất giao du rất thân với những người như Thuyết “buôn vua”. Ông có biết không?
- Chúng tôi là cơ quan quản lý anh Nhất về con người công tác tại cơ quan, công việc ở cơ quan, còn tất cả những quan hệ xã hội bên ngoài ngoài giờ hành chính đương nhiên không thể biết được. Nếu nhận được thông tin về cán bộ của mình thì chúng tôi cũng phải xem thông tin đó có căn cứ không. Quan hệ xã hội của anh em cán bộ đúng không nói làm gì, nhưng quan hệ sai, cơ quan điều tra phát hiện, có căn cứ thì đồng chí đó phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Về việc ông Nhất liên quan đến băng nhóm Năm Cam, chỉ đến khi đọc báo, chúng tôi mới biết.
- Ông Nguyễn Thập Nhất, cả năm 2001 và nhiều năm trước đó là chiến sĩ thi đua. Một cán bộ kiểm sát gương mẫu như vậy, nay bị bắt vì liên quan đến chạy án, ông nghĩ thế nào?
- Là cơ quan bảo vệ pháp luật, giám sát và phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, cùng các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý các đối tượng, khi Cơ quan Điều tra Bộ Công an đến Viện ra lệnh bắt giam ông Nhất, chúng tôi tạo điều kiện cho cơ quan điều tra làm việc. Tất nhiên, trong gia đình có chuyện buồn thì tất cả mọi người đều buồn. Một cơ quan có chuyện không vui, có cán bộ vi phạm, tất cả cơ quan đều phải suy nghĩ. Cán bộ sai đến đâu, Cơ quan Điều tra kết luận đến đâu thì đồng chí ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn việc quản lý, rút kinh nghiệm để xây dựng đơn vị là trách nhiệm thường xuyên.
- Có tin rằng trước đây ông Nhất từng có ý kiến phản đối việc Công an Hà Nội đề nghị tập trung cải tạo một số đối tượng xã hội đen kiểu như Sơn “bạch tạng”. Chỉ là một trưởng phòng, liệu ông Nhất có thể can thiệp vào việc này?
- Thời gian công tác của ông Nhất dài, công việc thì nhiều. Tôi chưa trả lời ngay được, chúng tôi cần có thời gian kiểm tra lại từng giai đoạn. Nếu có tài liệu gì hay cơ quan điều tra kết luận gì, chúng tôi sẽ xem lại.
- Còn năm 1995-1996, liệu với cương vị trưởng phòng, ông Nhất có khả năng can thiệp giúp Năm Cam?
- Hành vi cụ thể thế nào, cơ quan điều tra sẽ chứng minh. Còn việc cụ thể đó không liên quan đến chức năng của VKSND Hà Nội, mà thuộc thẩm quyền của Bộ Công an và VKSND Tối cao. Phòng Kiểm sát giam giữ - cải tạo chỉ có trách nhiệm giám sát việc quản lý giam giữ, cải tạo của các trại giam Hà Nội 1, Hà Nội 2.
- Thưa Viện trưởng, có tin bản thân ông cũng từng được Thuyết “buôn vua” dẫn đi mua một mảnh đất ở bãi An Dương, việc này thế nào?
- Làm gì có. Tôi chưa bao giờ có mảnh đất nào ở bãi An Dương cả.
(Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên)