Trước đó, đại điện đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài nguyên Môi trường đã khẳng định các lãnh đạo công ty Vedan đều chưa rời khỏi Việt Nam. Thông tin người duy nhất nắm rõ sơ đồ hệ thống xử lý nước thải của Vedan là ông Lâm Mậu Phủ đã về Đài Loan không chính xác. Đây là những người có vai trò quan trọng trong quá trình điều tra, làm rõ sai phạm của Vedan nên Cục Cảnh sát môi trường đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh (A18) tạm thời không làm thủ tục xuất cảnh cho họ.
Theo luật sư Phạm Hồng Hải, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, không thể truy cứu trách nhiệm chung chung cho Công ty Vedan Việt Nam. Nếu việc thải chất độc, xây hệ thống thoát nước bí mật là chủ trương của Hội đồng quản trị công ty thì các thành viên trong hội đồng phải chịu trách nhiệm. Còn nếu là chủ trương của giám đốc thì người này phải chịu trách nhiệm. Những công nhân vận hành việc xử lý chất thải đó ra sông Thị Vải, như Lâm Mậu Phủ, chỉ là những người đồng phạm.
Do nghi ngờ Vedan có hệ thống xử lý nước thải ngầm, sau ngày 19/9, Cục cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ, Cục Cục cảnh sát môi trường, Cục Cảnh sát khoa học hình sự (C21), Cục cảnh sát bảo vệ (C22) thuộc Bộ Công an, VKSND tỉnh Đồng Nai và Phòng cảnh sát kinh tế, Công an Đồng Nai, tiếp tục khảo sát hiện trường.
Ông Lâm Mậu Phủ - người trực tiếp điều hành hệ thống xả thải của Vedan. Ảnh: Cục Cảnh sát môi trường |
Trong khi đó, đoàn kiểm tra liên ngành tại Vedan tiếp tục phát hiện hàng loạt sai phạm của công ty này.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, trong ngày 23/9, đoàn đã phát hiện thêm 3 cụm bồn chứa chất thải lỏng và một bể bán âm có đấu nối ống dẫn tới cống thoát nhiệt đổ ra sông Thị Vải. Tổng cộng đến lúc này, đoàn đã phát hiện 14 bồn chứa và 2 bể bán âm của Vedan chuyên dùng để đựng và xả chất thải lỏng ra sông Thị Vải."Dọc hệ thống dẫn chất thải lỏng tới khu xử lý thỉnh thoảng lại phát hiện các ống đấu nối có bố trí các van để sẵn sàng xả thẳng ra sông Thị Vải", ông Hà cho biết.
Trước những sai phạm mới được phát hiện, Thứ trưởng Hà đã kiên quyết yêu cầu lãnh đạo Vedan sớm cung cấp sơ đồ thiết kế hệ thống xử lý chất thải của nhà máy. Đại diện Vedan hứa sáng nay, 24/9, bản sơ đồ sẽ được gửi tới đoàn kiểm tra.
Cũng theo ông Hà, với tiến độ hiện tại, đến cuối tuần, việc kiểm tra toàn bộ nhà máy Vedan sẽ kết thúc.
Đến nay, Vedan đã thừa nhận 10 vi phạm và chấp nhận mức phạt 91 tỷ đồng vì trốn đóng phí và lệ phí môi trường.
Nguyễn Hưng