Sáng nay, họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói, quyết tâm của thành phố là xử lý triệt để ô nhiễm ở bãi rác Đa Phước (Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam - VWS - làm chủ đầu tư), giải tỏa bức xúc của người dân.
Tuy nhiên, mới hơn nửa tháng từ khi thành phố ra những chỉ đạo cụ thể nhằm khắc phục mùi hôi, các công việc đang ở giai đoạn khởi động, nên chưa đạt được kết quả rõ rệt. "Trong đó có trách nhiệm của chính quyền thành phố, của công ty, tất cả phải gánh vác", ông Hoan khẳng định.
Người phát ngôn của TP HCM cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã mời được nhóm chuyên gia độc lập, phối hợp với Sở Nội vụ trình danh sách để thành phố thông qua.
"Nhóm chuyên gia không chỉ tư vấn cho thành phố giám sát ô nhiễm ở bãi rác Đa Phước mà cả các giải pháp cho môi trường chung trên địa bàn. Không chỉ xử lý rác sinh hoạt mà cả rác thải công nghiệp, rác thải y tế", ông Hoan nói và cho biết khoảng nửa tháng nữa nhóm chuyên gia sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai công việc.
Về lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM sẽ làm việc với nhà đầu tư bãi rác Đa Phước và các đơn vị vận chuyển để thống nhất phương án thu gom, vận chuyển rác. Dự kiến, sẽ tập trung chủ yếu vào ban đêm, rút ngắn thời gian vận chuyển để tránh tình trạng "xe rác chạy suốt ngày đêm trên đường" ảnh hưởng đến người dân.
"Ngay cả rác dân lập cũng phải thay đổi, chứ không để tình trạng xe tự chế, chở rác không phủ bạt, kéo lê trên các tuyến đường như hiện nay, rất mất vệ sinh", đại diện chính quyền TP HCM nói.
Về phương án trồng cây ngăn mùi hôi ở bãi rác Đa Phước, ông Hoan cho hay thành phố ưu tiên phương thức khoán, bàn giao - tức do dân trồng rừng, quản lý rừng. Riêng phương án giải phóng mặt bằng, đưa dân ra khỏi khu vực này đang được cân nhắc kỹ.
Hồi cuối tháng 9, nhà chức trách xác định khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của bãi Đa Phước là thủ phạm gây ra mùi hôi thối ở khu Nam Sài Gòn (quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) trong suốt thời gian dài.
Bị yêu cầu thực hiện một số giải pháp khắc phục, VWS đòi trả lại 2.000 tấn rác (trong 5.400 tấn mỗi ngày) cho thành phố nhưng không được chấp thuận do không có căn cứ pháp lý. Động thái này của chủ đầu tư bãi rác được các chuyên gia cho là "cố tình gây sức ép" đối với chính quyền TP HCM.
Mạnh Tùng