"Cách tiếp cận của chúng ta đối với Trung Quốc phải thay đổi và cơ bản đáp ứng thực tế về một Trung Quốc đặc biệt quyết đoán và hung hăng mà chúng ta thấy ngày nay", Haines hôm 19/1 nói tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện, nơi đang xem xét phê chuẩn việc Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử bà làm Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI).
Haines, cựu phó giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), cũng nói rằng cộng đồng tình báo Mỹ sẽ tăng cường coi Trung Quốc như một mối đe dọa chính. "Tôi ủng hộ lập trường quyết đoán, theo một nghĩa nào đó, để đối phó với thách thức mà chúng ta đang đối mặt", Haines nói thêm.
Haines, 51 tuổi, từng là phó cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Barack Obama từ năm 2009 đến 2017, khi Biden là phó tổng thống. Nếu được Thượng viện phê chuẩn, bà sẽ là nữ giám đốc đầu tiên của DNI, giám sát và điều phối tất cả 18 cơ quan của cộng đồng tình báo Mỹ, trong đó có CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia, Cục Điều tra Liên bang (FBI), chịu trách nhiệm về các báo cáo tình báo thường ngày của tổng thống.
Haines tuyên bố bà sẽ đảm bảo tính phi đảng phái của DNI và tìm cách thiết lập lại niềm tin với các cơ quan tình báo đồng minh sau những xáo trộn trong chính quyền Tổng thống Donald Trump.
"Để bảo vệ tính toàn vẹn của cộng đồng tình báo chúng tôi, DNI phải nhấn mạnh rằng khi nói đến tình báo, đơn giản là không có chỗ cho chính trị, không bao giờ", bà nói. "DNI phải ưu tiên tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính chặt chẽ trong phân tích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát và tư duy đa dạng".
Ba người tiền nhiệm DNI của Haines đã bị kéo vào các cuộc chiến chính trị của Tổng thống Trump, đặc biệt là việc ông bác bỏ đánh giá của cộng đồng tình báo rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 để tạo điều kiện cho Trump đắc cử. Trump cũng nhiều lần cáo buộc cộng đồng tình báo là "nhà nước ngầm" âm mưu phá hoại chính quyền của ông.
Khi được hỏi liệu bà có thể hỗ trợ điều tra cuộc bạo loạn ngày 6/1 ở tòa nhà quốc hội hay không, Haines cho biết cộng đồng tình báo Mỹ phần lớn hoạt động ở nước ngoài và không thể tham gia vào việc thực thi pháp luật trong nước.
Huyền Lê (Theo AFP)