Sự kiện Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha nối gót Hy Lạp tụt hạng tín nhiệm một lần nữa khiến mối quan ngại của công đồng quốc tế về nguy cơ lây lan của cuộc khủng hoảng nợ ra ngoài biên giới một quốc gia.
Theo hãng tin AFP, trong cuộc điện đàm diễn ra trong ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Barrack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel nhất trí cho rằng quy mô gói cứu trợ Hy Lạp có lẽ sẽ lên tới 120 tỷ Euro (160 tỷ USD). Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi Athens phải "hành động kiên quyết hơn nữa" trong các nỗ lực kiểm soát chi tiêu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và lãnh đạo IMF tỏ ra lo ngại về tình hình Hy Lạp. Ảnh: AFP |
Theo Thủ tướng Đức, nước này sẽ cho Hy Lạp vay tiền nếu chính quyền Athens bảo đảm sẽ cương quyết giảm bớt thâm hụt ngân sách, đang ở mức 13,6% theo ước tính của EU. Quan điểm này được bà Merkel đưa ra sau cuộc hội đàm tại Berlin vào cuối ngày 28/4 với giám đốc IMF Dominique Strauss Kahn và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Jean-Claude Trichet.
Người đứng đầu IMF cảnh báo toàn bộ 16 quốc gia khu vực đồng euro đang đứng trước mối "đe dọa" của cuộc khủng hoảng của Hy Lạp. Còn theo Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, EU "phải ngăn chặn một đám cháy" có thể nhấn chìm nền kinh tế châu Âu và thế giới.
Trả lời AFP, Thủ tướng Đức cho biết: “Đức sẽ cố gắng đưa ra quyết định tốt nhất trong những ngày tới với khủng hoảng Hy Lạp và Ủy ban châu Âu và IMF cũng cần được đẩy nhanh tiến độ trợ giúp nước này”.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với EU và IMF, theo ông Andreas Loverdos, Bộ trưởng Bộ Lao động nước này, là việc Chính phủ của ông không đồng tình với các yêu cầu cắt giảm lương thưởng trong lĩnh vực tư nhân. Vima, tờ báo lớn của Hy Lạp, dự báo tiền lương khu vực tư nhân sẽ bị đóng băng và trong khi thuế thu nhập tăng 21-23%.
Bất chấp những nguy cơ hiển hiện, Chính phủ các quốc gia châu Âu vẫn cho rằng kinh tế nước mình chắc chắn sẽ không đi theo vết xe đổ của Hy Lạp. Phát biểu trong ngày 29/4, Bộ trưởng Ngân sách Pháp, Francois Baroin cho rằng trái phiếu của Pháp vẫn ổn định và không có lý do gì để tụt hạng tín nhiệm.
“Việc tụt hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng đang lan rộng Hy Lạp", Ben May, chuyên gia kinh tế châu Âu của Capital Economics ở London cho biết. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Maria Teresa de la Vega của Tây Ban Nha, tình hình không đến nỗi nghiêm trọng khi nước này đã trả được một phần các khoản nợ.
"Tôi muốn gửi một thông điệp của sự tự tin cho người dân và cũng như các nhà đầu tư trên thị trường”, bà Vega nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên thị trường hối đoái quốc tế, tỷ giá đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất so với đôla Mỹ và giao dịch ở mức 1,3206 USD đổi một euro tại châu Á trong ngày 29/4.
Minh Phương