Đám đông ủng hộ cựu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 8/1 tràn vào quốc hội, dinh tổng thống và Tòa án Tối cao của đất nước gây náo loạn. Khoảng ba tiếng sau khi có thông tin ban đầu về vụ gây rối, lực lượng an ninh Brazil đã tái kiểm soát ba tòa nhà. Cảnh sát nước này cho biết đã tiến hành 170 vụ bắt giữ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án vụ tấn công ông mô tả là "không thể chấp nhận được", đồng thời bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền tân Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva.
"Tôi lên án cuộc tấn công nhắm vào nền dân chủ và quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình ở Brazil. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các thể chế dân chủ ở Brazil và không ai được phép làm suy yếu ý chí của nhân dân Brazil. Tôi mong được tiếp tục hợp tác với Tổng thống Lula", ông Biden viết.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khi đó đăng trên Twitter thể hiện sự ủng hộ với lãnh đạo mới của Brazil, khẳng định rằng phải tôn trọng "ý chí của người dân Brazil cùng các thể chế dân chủ".
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador khẳng định tân lãnh đạo Brazil Lula không đơn độc. "Ông ấy có sự hỗ trợ từ các lực lượng tiến bộ trong nước, từ Mexico, châu Mỹ và cả thế giới", Tổng thống Mexico tweet.
Tổng thống Chile Gabriel Boric cũng chỉ trích "cuộc tấn công hèn hạ nhằm vào nền dân chủ" và nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Lula có sự hẫu thuận hoàn toàn từ Chile.
Quan chức đối ngoại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết ông cảm thấy "kinh hoàng trước các hành động bạo lực và hành vi chiếm đóng khu vực chính phủ bất hợp pháp của những kẻ cực đoan". "Nền dân chủ Brazil sẽ chiến thắng bạo lực và chủ nghĩa cực đoan," ông nói thêm.
Loạt quan chức Mỹ thuộc đảng Dân chủ trong khi đó so sánh sự việc ở Brazil hôm 8/1 với cuộc bạo loạn Đồi Capitol hôm 6/1/2021, khi đám đông người ủng hộ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump xông vào tòa nhà quốc hội nhằm phản đối phiên họp công nhận ông Joe Biden chiến thắng cuộc bầu cử năm 2020. Vụ bạo loạn khiến 5 người thiệt mạng, gồm một cảnh sát và 4 người biểu tình.
Ngọc Ánh (Theo AFP)