"Thật là một cảnh tượng đáng hổ thẹn tại quốc hội Mỹ. Mỹ đại diện cho nền dân chủ trên toàn thế giới và điều quan trọng bây giờ là phải diễn ra chuyển giao quyền lực hòa bình, có trật tự", Thủ tướng Anh Boris Johnson đăng lên Twitter hôm 6/1.
Hỗn loạn ở Mỹ xảy ra khi đám đông biểu tình đối đầu với cảnh sát, hò hét ủng hộ Tổng thống Trump và bắt đầu xông vào nghị trường của Đồi Capitol đầu giờ chiều 6/1 (rạng sáng 7/1 giờ Hà Nội), khi các nghị sĩ vừa họp để chứng nhận phiếu đại cử tri. Một phụ nữ đã bị lực lượng hành pháp bắn bên trong tòa nhà và tử vong tại bệnh viện, một số người cũng bị thương. Ít nhất một thiết bị nổ được phát hiện.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng ngày cũng bày tỏ sự lo lắng và đau buồn trước các cuộc tấn công ông cho là nhắm vào nền dân chủ Mỹ, quốc gia đồng minh và cũng là láng giềng thân cận nhất của Canada.
"Bạo lực sẽ không bao giờ thành công trong việc đánh bại ý chí của người dân. Nền dân chủ Mỹ phải được duy trì và chắc chắn sẽ như vậy", Thủ tướng Trudeau nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong khi đó gọi cảnh tượng diễn ra ở thủ đô Washington ngày 6/1 là "gây sốc". Ông kêu gọi kết quả của cuộc bầu cử Mỹ phải được tôn trọng.
Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell Fontelles chỉ trích sự hỗn loạn do người biểu tình Mỹ gây ra là "cuộc tấn công nhằm vào nền dân chủ, các thể chế và pháp quyền Mỹ".
"Đây không phải nước Mỹ. Kết quả của cuộc bầu cử ngày 3/11 phải được tôn trọng", Fontelles nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng kêu gọi Mỹ phải thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, đồng thời khẳng định Joe Biden đã thắng cử. "Tôi rất mong được làm việc cùng ông ấy với tư cách là Tổng thống kế nhiệm của nước Mỹ", Leyen nói.
Các cựu tổng thống Mỹ cũng chỉ trích kịch liệt hành vi gây hỗn loạn của đám đông ủng hộ Trump, nhấn mạnh phải chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
"Lịch sử sẽ ghi nhớ vụ bạo lực hôm nay tại Điện Capitol, được chính một tổng thống đương nhiệm kích động, như một khoảnh khắc vô cùng đáng hổ thẹn với đất nước của chúng ta", cựu tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, đề cập tới Tổng thống Trump và cuộc hỗn loạn khắp Washington hôm 6/1.
Cựu tổng thống Bill Clinton cũng gọi hành vi bạo động của nhóm người ủng hộ Trump là "cuộc tấn công chưa từng có" nhằm vào quốc hội và đất nước Mỹ. Ông cũng cáo buộc Tổng thống Trump đã kích động bạo lực.
"Hôm nay chúng ta phải đối mặt với cuộc tấn công chưa từng có vào Điện Capitol, hiến pháp và đất nước của chúng ta. Cuộc biểu tình được châm ngòi do Donald Trump và những người ủng hộ nhiệt thành của ông ta, bao gồm nhiều người trong quốc hội, nhằm lật ngược kết quả bầu cử mà ông ta đã thua", Bill Clinton nói.
Cựu tổng thống Bush, thành viên đảng Cộng hòa, cũng cảnh báo cuộc bạo loạn do nhóm người ủng hộ Trump có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến đất nước và danh tiếng của Mỹ.
Ông kêu gọi hãy để các nghị sĩ làm tròn nhiệm vụ và đại diện cho tiếng nói của mọi người trong "hòa bình và an toàn". Trong khi Cliton và Obama thường xuyên chỉ trích Trump, cựu tổng thống Bush phần lớn không can dự chính trường kể từ khi rời nhiệm sở vào tháng 1/2009.
Cuộc hỗn loạn ngày 6/1 đã làm gián đoạn cuộc họp chứng nhận kết quả bầu cử của quốc hội Mỹ. Các thượng nghị sĩ được sơ tán, một số hạ nghị sĩ tweet rằng họ đang trú ẩn trong văn phòng của mình. Một nghị sĩ cho biết các phiếu bầu của đại cử tri đã được thu về an toàn trước khi người biểu tình xông vào phòng họp.
Lầu Năm Góc huy động khoảng 1.100 thành viên Vệ binh Quốc gia Đặc khu Columbia để hỗ trợ thực thi pháp luật tại Đồi Capitol. Tổng thống đắc cử Biden gọi đây là một "cuộc nổi loạn" và yêu cầu Trump ngay lập tức lên truyền hình quốc gia để thúc giục những người ủng hộ ông dừng bao vây Điện Capitol.
Trong một bức thư gửi cho các đồng nghiệp, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thông báo các lãnh đạo quốc hội quyết định nối lại cuộc họp vào tối 6/1 (sáng 7/1 giờ Hà Nội) để chứng nhận chiến thắng của Biden.
Ngọc Ánh (Theo Axios)