"Hôm nay nước Mỹ và thế giới đã mất đi một lãnh đạo, chính khách và người theo chủ nghĩa nhân đạo phi thường. Ông ấy đã cứu, nâng đỡ và thay đổi cuộc sống của mọi người trên toàn cầu", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong tuyên bố ngày 29/12 mà Nhà Trắng đăng tải.
Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng người Mỹ nợ cựu tổng thống Carter "món nợ ân tình". "Ông Jimmy đã phải đối mặt những thách thức lớn trên cương vị tổng thống vào thời điểm quan trọng đối với đất nước chúng ta. Ông ấy đã làm mọi thứ trong khả năng để cải thiện cuộc sống của tất cả người Mỹ", ông Trump đăng trên mạng xã hội.
Cựu tổng thống Bill Clinton, thành viên đảng Dân chủ giống ông Carter, cho biết người tiền nhiệm của ông "đã làm việc không biết mệt mỏi vì một thế giới tốt đẹp và công bằng hơn".
Trong tuyên bố chung với phu nhân kiêm cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ông thêm rằng cựu tổng thống Carter "sống để phụng sự mọi người cho đến cuối đời".
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số Thượng viện, nói cựu tổng thống Carter đã "dạy chúng ta rằng sức mạnh của một lãnh đạo không nằm ở lời nói mà ở hành động, không nằm ở lợi ích cá nhân mà ở việc phục vụ người khác".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông Carter là "người kiên định" ủng hộ quyền của những con người dễ bị tổn thương nhất và đấu tranh không ngừng nghỉ cho hòa bình. "Nước Pháp gửi lời chia buồn chân thành nhất tới gia đình ông và người dân Mỹ", ông nói.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng những đóng góp của cựu tổng thống Carter sau khi rời nhiệm sở cùng với tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Carter đã "cứu vô số sinh mạng và giúp loại bỏ nhiều căn bệnh nhiệt đới".
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva mô tả ông Carter là người yêu dân chủ và bảo vệ hòa bình. "Ông ấy chỉ trích những hành động quân sự đơn phương của các siêu cường và việc sử dụng máy bay không người lái tự sát. Ông ấy đã cùng với Brazil làm trung gian hòa giải các cuộc xung đột ở Venezuela và giúp đỡ Haiti. Ông ấy sẽ mãi được nhớ đến như người bảo vệ quan điểm rằng hòa bình là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển", ông Lula da Silva nói.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ca ngợi cựu tổng thống Mỹ Carter là "biểu tượng cho những nỗ lực nhân đạo" vì vai trò làm trung gian cho Hiệp định Trại David năm 1978 giữa Israel và Ai Cập. Đây được cho là hiệp định thiết lập hòa bình quan trọng giữa Ai Cập và đối thủ hàng đầu Israel vào thời điểm đó, góp phần mang lại ổn định phần nào cho Trung Đông.
Ông Jimmy Carter, tổng thống thứ 39 của Mỹ, qua đời tại nhà riêng ở bang Georgia ở tuổi 100. Những năm gần đây, ông gặp một số vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh ung thư hắc tố di căn đến gan và não.
Bên cạnh những thành tựu như Hiệp định Trại David, ông Carter cũng phải đối mặt với thách thức trong nhiệm kỳ, từ nền kinh tế suy thoái, không được lòng dân đến cuộc khủng hoảng con tin Iran năm 1980 chiếm trọn 444 ngày tại nhiệm cuối cùng của ông.
Sau khi rời nhiệm sở, ông tích cực hoạt động nhân đạo suốt nhiều thập kỷ. Vợ chồng ông thành lập Trung tâm Carter đặt trụ sở ở thành phố Atlanta, bang Georgia vào năm 1982 với mục tiêu thúc đẩy hòa bình và y tế thế giới.
Năm 2002, ông được trao giải Nobel Hòa bình để ghi nhận "nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội".
Thùy Lâm (Theo AFP, Reuters)