Sáng 20/4, Techcombank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên với sự tham gia của gần 500 cổ đông. Các nội dung đề cập trong đại hội gồm: báo cáo kết quả kinh doanh; báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát; thông qua tờ trình về báo cáo tài chính; phương án chi trả cổ tức, dự kiến nhân sự bầu vào HĐQT.
Theo kết quả kinh doanh năm 2023, Techcombank đạt gần 27.700 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và hơn 18.000 tỷ đồng lãi sau thuế. Cho vay khách hàng tại nhà băng đạt hơn 500.000 tỷ đồng, tăng hơn 23%. Trong khi đó, chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng đến 100% và đạt hơn 29.000 tỷ đồng. Đồng thời, số dự phòng rủi ro của ngân hàng này đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tại sự kiện, ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank chia sẻ, năm 2023 không phải năm dễ dàng với nhà băng. Đầu năm 2023, ngân hàng đối diện với không ít thách thức, song kết thúc năm, hiệu quả hoạt động của đơn vị có tín hiệu tích cực. "Nhiều nhà phân tích có những quan ngại riêng về toàn thị trường, song họ có quan điểm tích cực về tình hình hoạt động của Techcombank", vị đại diện cho hay.
Một trong nội dung quan trọng tại đại hội là Hội đồng quản trị nhà băng trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 tỷ lệ 15%, tính trên số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách. Nhà băng dự kiến dành hơn 5.283 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến hết 2023 để chia cổ tức tiền mặt. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, nhà băng này chia cổ tức bằng tiền mặt.
Ngoài tờ trình chi tiết về phương án chia cổ tức, Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ thông qua việc phát hành cổ phiếu tỷ lệ 100% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu TCB có tên trong danh sách tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm tương ứng 100 cổ phiếu mới.
Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 tăng 18%
Theo đại diện nhà băng, các chỉ số GDP, FDI đã tăng trưởng mạnh trong năm 2023, ảnh hưởng đến toàn bộ chỉ số hoạt động của ngân hàng. "Đầu 2023, tiền gửi và cho vay tiến triển chậm nhưng nửa sau năm ngoái, tiền gửi và cho vay tăng trưởng nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản, trái phiếu. Doanh số bán bảo hiểm cũng tăng đáng kể", đại diện ngân hàng nói.
Về tổng quan, hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng mạnh. Chỉ số CASA (tiền gửi không kỳ hạn) dồi dào, đạt 40% nửa cuối năm 2023. Năm qua, nhà băng tăng 2,6 triệu khách hàng mới. Chỉ số đầu tư nước ngoài ròng (NFI) chiếm 14% thị phần hệ thống tài chính, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Khi thị trường bất động sản phục hồi, Techcombank cũng có lựa chọn khách hàng kỹ lưỡng, tự tin quản lý các khoản vay ở lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ngân hàng nhận nhiều giải thưởng, được xem là thước đo bổ sung về độ tin cậy và hoạt động của đơn vị trước khách hàng, đối tác.
CEO Techcombank cho biết, năm 2024 ngân hàng đặt mục tiêu 27.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 18% so với kết quả 2023; dư nợ tín dụng đạt 616.031 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. "Chúng tôi sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%", đại diện ngân hàng nói.
Để đạt mục tiêu lợi nhuận, Techcombank tập trung vào ba lĩnh vực: tăng CASA, đa dạng hóa danh mục tín dụng; tăng cường vị thế ngân hàng giao dịch chính (MOA) đối với khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức.
Với mục tiêu CASA, nhà băng sẽ ra mắt các sản phẩm, dịch vụ tăng trải nghiệm của người dùng. Trong đó, sản phẩm Sinh lời tự động (Auto-Earning) cho phép khách hàng tối ưu tiền mặt nhàn rỗi và nhận được lãi suất tốt hơn bằng cách đồng ý tự động chuyển số dư tài khoản vãng lai vào sản phẩm. Ngân hàng mở rộng giải pháp T-Pay thanh toán một chạm, khả dụng tại hơn 3.600 cửa hàng WINlife trên toàn quốc để thu hút khách hàng mới.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đẩy nhanh triển khai Smart Credit, nền tảng kỹ thuật số để khởi tạo khoản vay không có tài sản bảo đảm, giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng với khách hàng bán lẻ và SME. Năm nay, nhà băng này hướng đến mức tăng trưởng hai con số về doanh thu (TOI) và lợi nhuận trước thuế.
Theo ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, năm 2023 vừa qua, ngân hàng đối diện nhiều khó khăn, đặc biệt với các lĩnh vực như bất động sản, đầu tư tài chính. Tuy nhiên, thách thức cũng là lúc nhà băng khẳng định được khả năng quản trị rủi ro khi không để trái phiếu nào quá hạn, đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, data cũng tạo điều kiện cho Techcombank phát triển những phân khúc trước đây không phải thế mạnh như: doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản phẩm cho vay tín chấp, cho vay tiêu dùng...
Nhìn về năm 2024, Chủ tịch HĐQT Techcombank tin rằng với việc củng cố và phát huy thế mạnh, nhà băng có thể đi vào những lĩnh vực kinh tế khác, đồng thời phát huy năng lực kiểm soát rủi ro chặt chẽ.
TCBS sẽ tập trung khai thác khách hàng giàu có
Năm 2023, TCBS phục vụ khoảng một triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Công ty ghi nhận thị phần môi giới cổ phiếu tăng trưởng nhanh nhất, đạt gần 8% trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).
Ông Nguyễn Xuân Minh - Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cho biết, chiến lược của TCBS tập trung vào nhóm khách hàng trung lưu và giàu có - nhóm khách hàng đại diện cho dưới 20% dân số nhưng lại nắm 80% tổng tài sản tại Việt Nam. Để phục vụ phân khúc khách hàng này, doanh nghiệp chú trọng triển khai sản phẩm khác biệt, dịch vụ và bán hàng khác biệt, nền tảng xuất sắc.
Bên cạnh đó, công ty làm chủ công nghệ cao cũng như công nghệ lõi, đảm bảo sự chủ động và linh hoạt trong kinh doanh. Doanh nghiệp cũng làm chủ nền tảng về dữ liệu, tạo ra các sản phẩm phù hợp với từng khách hàng.
Nhà băng chọn hướng phát triển thận trọng
Trong phần thảo luận, các cổ đông quan tâm đến room tăng trưởng tín dụng, lượng khách hàng mới còn hạn chế so với các đối thủ, kế hoạch mua bán sáp nhập ngân hàng, khả năng kiểm soát nợ xấu, các lĩnh vực đầu tư mới...
Về mảng tăng trưởng tín dụng, ông Jens Lottner cho biết quy mô tăng trưởng tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Mỗi ngân hàng được cấp tăng trưởng tín dụng trên dưới 13%. "Hậu quả tăng trưởng nóng là nợ xấu cũng tăng nhanh. Nhà băng không muốn tăng trưởng đột ngột bởi sẽ phải trả giá'", CEO Techcombank nói và cho biết "sẽ không đánh đổi tăng trưởng với chất lượng tài sản".
Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ không tham gia mua lại một số ngân hàng yếu. Tuy nhiên, hiện tại, Techcombank cũng giúp một số ngân hàng trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, Techcombank tuân thủ hạn mức Ngân hàng Nhà nước đề ra và 15% là tỷ lệ phù hợp để dự phòng rủi ro. Lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng cao hơn so với đối thủ cạnh tranh. Ngân hàng cũng duy trì cách tiếp cận thận trọng liên quan tới lãi suất, vốn nợ trên chủ sở hữu.
Đại diện Techcombank cho rằng việc tăng vốn điều lệ, thưởng cổ phiếu, trả cổ phiếu cho cổ đông, không ảnh hưởng tới khả năng cho vay của đơn vị hay tới cơ chế quản lý rủi ro. Điều này có thể làm giảm nhẹ về giá cổ phiếu nhưng đây là cơ hội tốt cho nhà đầu tư quan tâm. Sau một thời gian giảm nhẹ, nếu là công ty, tổ chức tốt thì giá cổ phiếu sẽ tăng lại.
Trong tương lai, Techcombank mong muốn trở thành ngân hàng đa dạng hóa rủi ro về tín dụng, cân nhắc cho vay tiêu dùng. Song lúc này, nhà băng chưa có kế hoạch cho công ty tiêu dùng vì có mảng cốt lõi.
Về quan điểm "2,6 triệu khách hàng mới năm 2023 vẫn còn thua xa các đối thủ" do một cổ đông nêu ra, ông Jens Lottner khẳng định, nhà băng không quan tâm tới số lượng khách hàng mà chú trọng tới tỷ lệ khách hàng thường xuyên. Techcombank cần đảm bảo hệ thống phục vụ khách hàng có lợi nhuận nhất. Đơn vị quan trọng chất lượng thay vì số lượng khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Hồ Hùng Anh cho biết, hiện phát triển số lượng khách hàng mới không phải vấn đề lớn bởi ngân hàng có nhiều đối tác lớn, với tập khách hàng lên đến 10 triệu người.
Trả lời câu hỏi về sản phẩm sinh lời, theo ông Hồ Hùng Anh, sản phẩm này sẽ giúp Techcombank tối ưu lợi nhuận ngắn hạn cho khách hàng, an toàn nhưng không tăng chi phí vốn cho ngân hàng. "Chúng tôi đang tìm kiếm những cơ hội bán cổ đông cho nước ngoài, để mang lại những giá trị tốt hơn cho khách hàng", ông Hồ Hùng Anh cho biết.
Một số cổ đông muốn biết sớm kết quả kinh doanh quý I/2024 (dự kiến ngày 24/4 công bố), người đứng đầu nhà băng không chia sẻ cụ thể song khẳng định, với tình hình hiện tại, việc kinh doanh theo đúng kế hoạch, mang lại lợi nhuận tốt. "Với cách tiếp cận thận trọng, chúng tôi tin Techcombank sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra", ông nhấn mạnh.
Sau phần phần thảo luận giữa cổ đông và ban lãnh đạo Techcombank, Đại hội tiến hành lấy phiếu thông qua các nội dung về kết quả kinh doanh, kế hoạch nhân sự và định hướng phát triển của nhà băng trong năm 2024.
Thông qua bầu chọn của cổ đông, Hội đồng quản trị Techcombank nhiệm kỳ 2024-2029 ra mắt, bao gồm: ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang, ông Nguyễn Thiều Quang, ông Nguyễn Cảnh Sơn, ông Hồ Anh Ngọc, ông Saurah Narayan Agarwal, bà Nguyễn Thu Lan, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc và ông Eugene Keith Galbraith.
Các thành viên Ban kiểm soát gồm: ông Hoàng Huy Trung, bà Bùi Thị Hồng Mai và bà Đỗ Thị Hoàng Liên.
Tại sự kiện, 100% cổ đông thông qua biên bản họp và nghị quyết năm 2024.
Xem diễn biến chính