"Tôi rất đau buồn nhận được tin đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần. Là người bạn thân thiết của Cuba, đồng chí Đỗ Mười đã góp phần củng cố mối quan hệ anh em giữa hai nước chúng ta", Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro viết trong điện chia buồn gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngày 5/10.
Ông Raul Castro gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và gia quyến đồng chí Đỗ Mười.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz Canel khẳng định luôn ghi nhớ đóng góp của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười cho sự phát triển của mối quan hệ lịch sử hữu nghị và anh em lâu đời giữa Việt Nam và Cuba.
Trong điện chia buồn, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Toshihiro Nikai, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono Taro đánh giá nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo tài ba, có nhiều công lao to lớn trong việc phát triển đất nước, dành nhiều quan tâm sâu sắc tới sự phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ lời chia buồn sâu sắc trong thư gửi các lãnh đạo Việt Nam, đánh giá cao những đóng góp to lớn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với sự phát triển quan hệ hợp tác hai nước, đặc biệt đối với quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, mở ra mối quan hệ hợp tác hướng tới tương lai.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Ngoại trưởng nước này Don Pramudwinai ca ngợi đóng góp to lớn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho công cuộc Đổi mới của Việt Nam và đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan.
Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar và Tổng thống Myanmar Win Myint cho rằng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã có vai trò lãnh đạo xuất sắc và đóng góp to lớn của trong việc nâng cao vị thế chính trị, kinh tế và xã hội của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười qua đời hồi 23h12 ngày 1/10 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội sau thời gian lâm bệnh nặng. Ông sinh ngày 2/2/1917, tham gia hoạt động cách mạng năm 1936, vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 6/1939.
Ông nguyên là Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa II; Ủy viên Trung ương các khóa III, IV, V, VI, VII, VIII; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa IV; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Thường trực Ban Bí thư khóa VI; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) từ tháng 6/1988 đến tháng 6/1991; Tổng bí thư từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997; cố vấn Ban chấp hành Trung ương từ năm 1997 đến năm 2000; đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI, VII, VIII và IX.
Khánh Lynh