Mở đầu phần tự bào chữa chiều 20/12 tại TAND Hà Nội, bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên nói nhận được rất ít thông tin về dự án trước khi ký hợp đồng. Ông đã cố gắng đóng góp nhiều ý kiến xác đáng nhất để có cái nhìn rõ ràng và cẩn trọng, trong đó có việc từ chối thanh toán 5% còn lại cho AVG. Nếu lãnh đạo MobiFone tiếp thu một phần ý kiến, sai phạm đã không xảy ra.
Ông Nguyên khai: "Tôi bị trù dập và gây khó khăn trong công việc vì phản đối trả nốt tiền cho AVG. Ông Lê Nam Trà còn liên tiếp chỉ đạo ban giám đốc kỷ luật tôi. Ở MobiFone ít người nào dám phản đối chủ tịch".
Ông Nguyên giải thích giá mua cổ phần phải dựa trên cơ sở đàm phán, định giá tài sản và nguyên tắc bù trừ công nợ nhưng không hiểu tại sao Chủ tịch Hội đồng thành viên Lê Nam Trà và tổng giám đốc Cao Duy Hải vẫn trình giá mua 8.900 tỷ đồng lên Bộ Thông tin và Truyền thông. Mãi sau này được xem lại, ông mới biết họ dựa vào các văn bản đàm phán trước đó.
Viện dẫn điều lệ của doanh nghiệp, ông Nguyên cho hay chỉ hội đồng thành viên MobiFone mới có thể xem xét lại giá mua theo điều lệ của doanh nghiệp và nếu đàm phán lại chắc chắn không dẫn đến thiệt hại như ngày nay. Ban lãnh đạo đã đưa dự án vào danh mục mật càng khiến nhiều người không nắm được thông tin vì thế không thấy được bức tranh toàn cảnh để phản đối.
Phần bào chữa của bị cáo Nguyên được HĐXX đánh giá "rất đầy đủ, súc tích và dễ hiểu" hơn cả phần gỡ tội của luật sư bào chữa.
Cầm trên tay nhiều tài liệu cho phần tự bào chữa, bà Phan Thị Hoa Mai (Thành viên Hội đồng thành viên MobiFone) nói suốt quá trình thực hiện dự án, bà không thể đưa ra ý kiến phản đối mua cổ phần AVG nên "buộc phải tin tưởng".
Bà từng phản đối việc mua 2 dự án đầu tư ngoài ngành của AVG, vì thế bị Chủ tịch Trà phê bình là "nói lằng nhằng". Bà Mai nhận mình và bị cáo Hồ Tuấn (cựu phó tổng MobiFone) là "hai người bị động nhất" bởi giữa năm 2015 mới được thông báo về dự án. Khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, bà đã tích cực tham gia thu hồi tài sản cho nhà nước, cho rằng phía cổ đông AVG sẽ không tự chuyển trả lại tiền cho MobiFone khi huỷ hợp đồng nếu không có tác động của các thành viên hội đồng thành viên.
Cuối phần bào chữa, bà Mai nói do kém hiểu biết về chuyên môn, do tin tưởng cấp trên, cấp dưới nên cùng các bị cáo khác để xảy ra sai phạm. Bà thừa nhận: "Tôi không tham gia họp nhưng lại ký văn bản khống đồng ý cho chủ tịch Lê Nam Trà ký hợp đồng mua AVG".
Bào chữa cho bà Mai, luật sư Phùng Thị Thanh Vân cho hay đây là lần đầu tiên MobiFone dùng vốn đầu tư công nên cũng gặp nhiều hạn chế. Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, bà Mai đã tích cực đi thu hồi tiền và số tiền thu về rất lớn nên giảm được nhiều thiệt hại. Nêu việc thành khẩn khai báo, quá trình công tác lập nhiều thành tích, có bằng khen của Thủ tướng, luật sư Vân đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bà Mai.
Ngược với những lời bào chữa trên, đại diện VKS cáo buộc bà Mai biết tình hình tài chính của AVG khó khăn, giá mua chênh lệch lớn so với giá trị thể hiện trên sổ sách kế toán nhưng vẫn đề xuất phê duyệt dự án. Bà có băn khoăn nhưng vẫn làm theo yêu cầu của lãnh đạo. Hậu quả, tại dự án này, nhà nước đã bị thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng.
Ngày mai, phiên toà tiếp tục ngày làm việc thứ năm.
Theo cáo buộc, ông Trà nhận thức rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn; giá mua theo tư vấn cao so với giá trị thể hiện trên sổ sách nhưng vẫn ký các Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG theo chỉ đạo của ông Son. Ông Trà cũng chỉ đạo cấp dưới bố trí nguồn vốn để thực hiện hợp đồng với AVG.
Sáng 20/12, ông Trà bị đề nghị 23-25 năm tù, Hải 14-16 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ.
Cùng tội danh, cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình, ông Trương Minh Tuấn 14-16 năm tù. 10 người còn lại bị đề nghị phạt từ 2 đến 6 năm tù.