Dự kiến, 13 đội xuất sắc sẽ tham gia vòng Chung kết vào ngày 22/1/2022. Trước thêm sự kiện, với vai trò giám khảo kiêm cố vấn của Swin-Biz-Rockstar, ông Trần Duy Công đưa ra một số tiêu chí đánh giá ý tưởng kinh doanh và kinh nghiệm hiện thực hóa điều đó.
- Theo ông, ý nghĩa cuộc thi này đem lại cho xã hội và các bạn trẻ là gì?
- Cuộc thi Swin-Biz-Rockstar cùng với rất nhiều cuộc thi về ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp uy tín khác đã giúp xã hội hiểu được chính xác về việc làm thế nào để hiện thực hoá một ý tưởng kinh doanh. Những năm gần đây, Việt Nam càng ngày trở thành một "điểm nóng" trong khu vực Châu Á, với thị trường tiêu dùng lớn chỉ đứng sau Indonesia vào năm 2025. Do đó, việc phát triển doanh nghiệp với tư duy đột phá sẽ trở nên thách thức và cạnh tranh hơn rất nhiều.
Bây giờ, thay vì "Go Global", chúng ta nên nói về câu chuyện "Act Global", tức phát triển trên thị trường quốc tế. Vì vậy, những sân chơi như Swin-Biz-RockStar sẽ là những bài tập thực tế dành cho thế hệ trẻ ôm ấp những ý tưởng kinh doanh hữu ích cho xã hội.
Một chặng đường kinh doanh sẽ rất cam go và trải qua nhiều giai đoạn từ ấp ủ ý tưởng, xây dựng mô hình đến quá trình thực thi. Việc tham gia cuộc thi sẽ truyền cảm hứng, cũng như giúp các bạn có một tư duy đúng về kinh doanh hay khởi nghiệp, "start" là phải "up".

Ông Trần Duy Công là một trong những giám khảo và cố vấn của cuộc thi Swin-Biz-Rockstar. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Ông đánh giá như thế nào về đam mê và tinh thần sáng tạo đổi mới của thế hệ trẻ hiện nay?
- Qua các vòng thi, tôi thật sự ấn tượng và cảm thấy chính mình cũng được truyền cảm hứng từ các bạn trẻ. Vấn đề doanh nghiệp xã hội còn tương đối mới mẻ, tuy nhiên, có thể thấy các bạn rất mạnh dạn trong việc đề xuất những ý tưởng khả thi và thú vị. Riêng về sự sáng tạo, các thí sinh cũng có những cách tiếp cận khá mới. Đó có thể là một ý tưởng hoàn toàn mới hoặc một ý tưởng không mới nhưng cách làm khác và có tính khả thi.
- Trong cuộc thi này, ông đánh giá các dự án và ý tưởng kinh doanh theo tiêu chí nào?
- Có một câu hỏi rất lớn luôn được đặt ra cho những người khởi nghiệp, đó là bạn muốn tạo nên giá trị gì cho xã hội và bản thân thông qua ý tưởng kinh doanh này. Nếu câu trả lời là mục tiêu tạo ra nhiều lợi nhuận, tiêu chí để xác định thành công hay không là rất rõ ràng.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi nhuận, mục tiêu mang giá trị phi vật chất cho khách hàng luôn được đánh giá rất cao. Đó là giá trị thực sự của việc tạo ra những ý tưởng kinh doanh mới, không chỉ là làm giàu cho bản thân, mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
- Trong vòng loại cuộc thi Swin-Biz-Rockstar, ông ấn tượng với ý tưởng kinh doanh nào nhất?
- Tôi đặc biệt ấn tượng với đội GrowGreen về ý tưởng, giải pháp và phương án thực thi. Ý tưởng thay thế ly nhựa bằng ly làm từ bã mía với chi phí tiết kiệm hơn và truyền đi thông điệp tích cực về ý thức bảo vệ môi trường.
Theo tôi, các bạn không cần phải có những ý tưởng quá cao xa, bởi xã hội đang rất cần các giải pháp thực tế, hiệu quả và có tác động rộng rãi như trên. Chỉ cần nhìn vào nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của mọi người khi giao nhận thức ăn, ai cũng sẽ bị thuyết phục về sự đơn giản trong cách làm và sáng tạo trong thực thi của GrowGreen. Là những người trẻ tuổi và người tiêu dùng trực tiếp, các bạn đã hiểu được tâm lý khách hàng mục tiêu, qua đó, tạo sự gắn kết và ảnh hưởng tích cực với cộng đồng.

Theo ông Trần Duy Công, nếu mục tiêu của các ý tưởng kinh doanh là những giá trị phi vật chất cho khách hàng thì luôn được đánh giá rất cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Theo ông, người trẻ nên làm thế nào để hạn chế sai lầm khi bắt đầu những ý tưởng kinh doanh mới?
- Chúng ta cần hiểu rõ thế nào là sai lầm và thành công trong khởi nghiệp. Nhiệt huyết, kiến thức hay kinh nghiệm chỉ là ba trong rất nhiều yếu tố để dẫn đến một câu chuyện thành công. Thực tế, sự kiên trì hay dám thử nghiệm cũng rất quan trọng. Ngay cả khi thất bại ở bước đầu, đó có thể là cơ hội giúp bạn thay đổi định hướng phát triển sản phẩm sớm để thấy được những mục tiêu mới mẻ và lớn lao hơn.
Trước khi bắt đầu một ý tưởng kinh doanh, lời khuyên cho các bạn trẻ là hãy chuẩn bị cho mình một tư duy và một tinh thần đúng. Hãy nghiên cứu ý tưởng và để sản phẩm mẫu (demo product) được "va đập" với thật nhiều người dùng, thị trường. Đó là cơ sở để bạn có những điều chỉnh và phát kiến đột phá, giúp đưa kết quả đi xa hơn.
- Ông có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ đang ấp ủ ý tưởng kinh doanh và giấc mơ khởi nghiệp?
- Những gì các bạn trẻ cần trước tiên là một tư duy rộng mở về mục đích và sản phẩm thành công của ý tưởng. Bên cạnh đó, nhà sáng lập cần trả lời được ba câu hỏi cơ bản. Thứ nhất là "Why" - Vì sao tôi muốn khởi sự doanh nghiệp này, có thể là từ hoài bão, mong muốn cá nhân hoặc để giải quyết một vấn đề của xã hội và thị trường. Thứ hai là "What" - Đâu là những kết quả doanh nghiệp sẽ hướng tới trong thời gian ngắn hạn và dài hạn. Cuối cùng là "How" - Chúng ta cần có mục tiêu và kế hoạch thực thi như thế nào. Ngay cả khi nếu không thành công, tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm điều gì cho đến khi có một sản phẩm ưng ý và phù hợp nhất với thị trường.
Ba câu hỏi này sẽ luôn là điều cần thiết trong mọi kế hoạch và hoạt động khởi nghiệp, đòi hỏi nhà sáng lập phải đưa ra những quyết định của mình hàng ngày. Để khởi đầu, hãy đặt niềm tin và công sức vào ý tưởng của mình để có sự chuẩn bị tốt nhất.
(Nguồn: Swinburne Việt Nam)