Theo AFP, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế hôm qua, ông Lương lặp lại quan điểm của mình rằng bầu cử tự do như cách mà sinh viên đòi hỏi là không thể.
Trung Quốc để người dân Hong Kong quyền bỏ phiếu để chọn ra lãnh đạo mới vào năm 2017, nhưng các ứng viên ra ứng cử phải do một ủy ban của chính quyền trung ương lựa chọn.
Theo ông Lương, nếu các ứng viên do dân chúng đề đạt thì tầng lớp xã hội đông đảo nhất sẽ thống trị quá trình bầu cử.
"Nếu đây đơn thuần là một trò chơi của các con số và sự trình diễn bằng con số, thì rõ ràng chúng ta đang nói chuyện với một nửa dân cư Hong Kong, những người chỉ kiếm được chưa đến 1.800 USD một tháng", ông nói.
Đặc khu Hong Kong là một trong những nơi có khoảng cách về thu nhập lớn nhất trên thế giới, trong đó sự bất mãn về tình trạng bất bình đẳng và giá bất động sản quá cao đang ngày càng gia tăng. Cộng đồng người giàu tuy rất nhỏ nhưng lại nắm trong tay số mệnh của nền kinh tế Hong Kong.
Phát biểu trên của ông Lương được đưa ra chỉ ít giờ trước khi cuộc đàm phán giữa giới chức cấp cao và các thủ lĩnh sinh viên diễn ra. Tuy nhiên, cả hai bên đều cho hay họ không kỳ vọng nhiều vào cuộc đàm phán nhằm chấm dứt bế tắc ở Hong Kong.
"Chúng tôi không chắc họ sẽ nói gì tại cuộc gặp", ông Lương nói.
Tòa án cấp cao Hong Kong hôm qua ra phán quyết yêu cầu người biểu tình giải tán. Thẩm phán tòa án nói rằng phong trào Occupy Central gây ra nhiều bất tiện cho các tài xế taxi và xe buýt, đồng thời yêu cầu đám đông rời khỏi khu vực quận Mong Kok ngay lập tức. Ông cảnh báo tình trạng bạo lực có thể tiếp diễn nếu việc chiếm đóng khu trung tâm không chấm dứt.
Hàng chục người bị thương sau vụ đụng độ vào hai tối cuối tuần qua ở Mong Kok, trong đó có 22 cảnh sát. 4 người bị bắt với cáo buộc tấn công.
Anh Ngọc