Ngày 3/8, ông Lê Công Lý - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, hai ngày qua, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh họp kiểm điểm trách nhiệm tập thể Ban Thường vụ và các cá nhân có liên quan trong việc tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh về địa phương công tác.
Ông Trịnh Xuân Thanh khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: A.X |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá việc thực hiện các bước trong quy trình tiếp nhận ông Thanh được tập thể Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến các cơ quan Trung ương. Quá trình thực hiện có làm việc, trao đổi cụ thể với Ban tổ chức Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ Công thương.
Tuy nhiên, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang có khuyết điểm trong công tác thẩm định hồ sơ cán bộ; không chỉ đạo các cơ quan tham mưu, rà soát quá trình và năng lực công tác của cán bộ này. Khi thực hiện chủ trương xin tăng cường cán bộ về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Thường trực Tỉnh ủy chưa bàn bạc, thảo luận kỹ với tập thể Ban Thường vụ.
Qua kiểm điểm, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang nghiêm khắc nhận trách nhiệm về các hạn chế, khuyết điểm. Đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm trước tập thể Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Cá nhân ông Huỳnh Minh Chắc - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 đã trực tiếp tham khảo ý kiến Trung ương và bạn bè quen biết, đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp nhận ông Thanh. Ông Chắc có khuyết điểm chủ quan, không chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thẩm định kỹ hồ sơ, quá trình công tác của ông Thanh trước khi tiếp nhận. Đồng thời, ông chưa bàn bạc kỹ trong tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước khi có văn bản xin ông Thanh về công tác tại Hậu Giang.
Bản thân ông Chắc nhận sai sót về cách làm, dẫn đến dư luận không tốt, ảnh hưởng đến cá nhân ông và tập thể Đảng bộ tỉnh. Ông đã nghiêm túc rút kinh nghiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Còn ông Trần Công Chánh - Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) nhận thấy thiếu trách nhiệm trong tham gia góp ý kiến, thẩm định hồ sơ cán bộ và quá trình công tác trước khi tiếp nhận ông Thanh.
Vấn đề liên quan đến biển số xe 95A-0699 (xe tư nhân nhưng cấp biển xanh) để tạo điều kiện cho ông Thanh đi lại công tác, chứ không có mục đích nào khác. Ông Chánh thừa nhận việc chỉ đạo Giám đốc công an tỉnh cấp biển số xanh là không đúng với quy định. Ông cũng nghiêm túc tự kiểm điểm và xem đây là bài học kinh nghiệm trong phương pháp lãnh đạo, điều hành công việc.
Đường thăng tiến của ông Trịnh Xuân Thanh. Đồ họa: Tiến Thành - Võ Văn Thành |
Riêng trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, qua thảo luận, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhận thấy việc thua lỗ tại Tổng Công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam từ những năm 2011-2013 do nhiều nguyên nhân. Ban chấp hành chưa có đầy đủ thông tin, không nắm rõ vụ việc này, do vậy không có cơ sở để phản biện trong quá trình kiểm điểm ông Thanh. Hậu Giang đề nghị Đoàn kiểm tra Trung ương nên làm việc cụ thể với Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam.
"Hậu Giang sẽ báo cáo kết quả kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan và ông Trịnh Xuân Thanh về Ban Bí thư và Ủy Ban kiểm tra Trung ương theo quy định", Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang nói.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Năm 2013, rời ngành dầu khí, ông Thanh được bổ nhiệm nhiều chức vụ ở Bộ Công Thương trước khi giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vào năm 2015. Đầu tháng 6, nhiều báo chí thông tin về xe tư nhân Lexus trị giá trên 5 tỷ do ông Thanh sử dụng gắn biển công vụ. Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao 9 cơ quan kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung bài báo liên quan đến Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. Có 3 vấn đề được báo chí đề cập: Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh được đưa đón bằng chiếc Lexus LX570 là xe tư, nhưng gắn biển xanh; tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 và dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh. Ủy ban kiểm tra Trung ương sau đó kết luận, ông Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo kết luận 146 của Bộ Chính trị khóa XI. Nhưng, ông Thanh vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu. Giữa tháng 7, Hội đồng bầu cử quốc gia họp và quyết định hủy tư cách đại biểu Quốc hội của khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh. |
Cửu Long