Thứ năm, 2/1/2020, 10:00 (GMT+7)

Những ngày cuối năm bận rộn, vị Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI tiếp khách ngay bên bàn làm việc với những xấp hồ sơ giấy tờ xếp cao quá đầu. Dẫu vậy, ông vẫn sẵn sàng dành cả tiếng đồng hồ để say sưa nói chuyện với khách về "viên đá quý trong lòng Hà Nội", cách mà ông gọi tên toà nhà DOJI Tower toạ lạc tại ngã tư Lê Duẩn cắt Nguyễn Thái Học. Doanh nhân 67 tuổi vốn chỉ biết đến thị trường vàng, tài chính ngân hàng và bán lẻ đã tự học về kiến trúc để giải bài toán khó: Làm sao dựng nên công trình là biểu tượng cho doanh nghiệp?

"Ngày toà nhà khai trương tôi đã dành rất nhiều thời gian ngắm nhìn hàng ngàn mảng kính phản chiếu nền trời. Buổi sáng, toà nhà là khối hổ phách khi đón những tia nắng vàng. Dưới bầu trời khối kính là viên sapphire lấp lánh. Chiều về, hoàng hôn nhuộm đỏ viên ruby. Ngày nắng đẹp nơi này sẽ trở thành viên kim cương trắng sáng". 

Những năm 1970, doanh nhân Đỗ Minh Phú khi đó còn là chàng thanh niên chưa đầy 20 ngày ngày đạp xe ngang qua ngã tư Lê Duẩn cắt Nguyễn Thái Học, thời này có tên đường Nam Bộ. Trong mắt cậu thanh niên mới lớn, Bách hoá số 5 Nam Bộ được dựng lên theo phong cách kiến trúc Pháp cổ kính, công trình to đẹp khang trang, sẽ nhiều nuối tiếc nếu một ngày nào đó biến mất ở Hà Nội.

Hai mươi năm sau, khi bắt tay vào kinh doanh vàng bạc đá quý, mỗi lần đi ngang qua Bách hoá ngày nào, ông vẫn nghĩ ngợi: "Toà nhà đứng đó, chứng kiến những lượt người đến rồi đi, là chứng nhân lịch sử của thủ đô, phải làm gì đó để chứng nhân không bị lãng quên".

Phải mất thêm hơn hai thập kỷ nữa để biến mong muốn của ông trở thành sự thật.

Khi có cơ hội mua lại mảnh đất số 5 Lê Duẩn, Chủ tịch Hội đồng sáng lập của DOJI đã nhanh chóng khởi sự với tâm niệm: "Nếu tôi kinh doanh vàng bạc trang sức làm đẹp cho con người thì phải xây toà nhà làm đẹp cho thủ đô, làm đẹp cho tên tuổi Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài". Ông quyết tâm chế tác một món trang sức khổng lồ cho Hà Nội.

Đề bài dựng một toà nhà với phần đế là đá cẩm thạch giữ nguyên bản kiểu dáng Pháp, phần trên là khối kính mô phỏng một viên đá quý của Chủ tịch Đỗ Minh Phú thách thức giới kiến trúc trong và ngoài nước.

"Tôi đã tìm đến các kiến trúc sư ở Pháp, Ý, những người giỏi nhất ở Việt Nam, họ đều cho rằng việc đặt ‘viên đá quý trong lòng phố’ quá khó khăn, thậm chí hoang đường. Đã có nhiều lời giải được đưa ra nhưng tôi không nhìn thấy đáp án đúng. Nhiều tháng trời, ý tưởng đi vào bế tắc. Không tìm được ai giúp mình giải đề, tôi tự học kiến trúc để phác thảo ý tưởng.

Nhiều tháng đọc tài liệu, tìm hiểu về kết cấu công trình, làm sao để khối kính được ghép bằng ngàn mảnh có thể chịu áp lực gió, mưa, không rạn vỡ... Tìm loại kính gì để phản chiếu nền trời đẹp nhất, lấp lánh nhất, doanh nhân Đỗ Minh Phú đã tự tìm ra lời giải.

Sau nhiều ngày miệt mài với những bản vẽ, ông cùng các cộng sự tìm đội ngũ kiến trúc sư giúp mình hoàn thiện ý tưởng và xây dựng công trình. Những người bạn cho rằng ông cầu toàn, quá mất thời gian cho một toà nhà. Song vị doanh nhân thấy tự học sẽ giúp mình có thể vượt qua giới hạn bản thân. Chỉ đặt ra câu hỏi thì đơn giản, khó khăn là tìm ra giải pháp, tìm lời giải. Kiến trúc sư nước ngoài cũng rất ngạc nhiên với đáp án của ông.

Toà nhà hoàn thiện vào những ngày thu tháng 10, khách tham qua không chỉ thấy một viên đá quý ở bên ngoài mà còn được tận hưởng không gian trải nghiệm trang sức ở bên trong. Bốn cửa vào được đặt tên theo các loại đá quý mở ra không gian mua sắm và trải nghiệm sản phẩm. Cùng với đó là khu trưng bày, triển lãm và đấu giá đá quý, bảo tàng khoáng sản đá quý đầu tiên tại Việt Nam.

Đặt không gian hội sở làm việc kết hợp khu trưng bày, kinh doanh và bảo tàng trong cùng một toà nhà, doanh nhân Đỗ Minh Phú lý giải về sự "ôm đồm" của mình: "Tôi muốn Bách hoá số 5 Nam Bộ trường tồn theo một cách khác. Đó là nơi những nhân viên DOJI hàng ngày tiếp cận người mua, khách du lịch để hiểu nhu cầu của họ. Đây cũng là nơi khách hàng được trải nhiệm trang sức đẹp thay vì chỉ đến mua hay bán, khách du lịch được tìm hiểu về đá quý Việt và cách người Việt yêu và nâng niu đá quý". 

Chủ tịch DOJI Đỗ Minh Phú khởi nghiệp năm 1993 khi Việt Nam mới bước qua thời kỳ bao cấp khó khăn, người dân chỉ quan tâm đến ăn no mặc ấm, trữ vàng làm của để dành. Trên ngón tay những người phụ nữ là chiếc nhẫn vàng "ta" trơn vài chỉ, cuốn thêm lớp len cho chắc. Trong tủ của người giàu là chiếc lắc tay, dây chuyền thô kệch Tết mới đem ra đeo. Không mấy ai quan tâm đến đá quý hay trang sức làm đẹp. Nếu có một món vàng "tây" được chế tác cầu kỳ, ai cũng mặc định sẽ mất giá, chỉ để chơi cho vui.

Trong bối cảnh những doanh nghiệp đàn anh trong ngành kinh doanh vàng miếng và hàng trăm cửa hàng kim hoàn trao đi bán lại những chỉ vàng mỗi ngày cách đây gần 30 năm, doanh nhân Đỗ Minh Phú đã quan tâm đến đá quý và trang sức. "Người Việt Nam rồi sẽ thay đổi sớm thôi, họ sẽ cần phải làm đẹp. Chưa kể Việt Nam đâu có thiếu những mỏ đá quý, đâu thiếu những nhà chế tác tài tình". Với suy nghĩ đó ông Đỗ Minh Phú đã định vị doanh nghiệp của mình phải kinh doanh trang sức.

Vừa kinh doanh vàng miếng để duy trì doanh nghiệp và lấy uy tín, ông Đỗ Minh Phú vừa tiên phong khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra quốc tế. Năm 1995, ông chủ DOJI đưa công ty trở thành doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu sản phẩm đá Ruby sao Việt Nam với thương hiệu Việt Nam Star Ruby VSR.

Hàng chục năm sau, ông Đỗ Minh Phú vẫn đi theo con đường khai thác đá quý quy mô lớn tại Yên Bái, Nghệ An... Khi thị trường vàng cạnh tranh gay gắt, giá lên xuống mỗi ngày, ông đã đầu tư hệ thống máy móc khai thác và trang thiết bị cắt mài nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan... để chế tác đá quý với độ tinh xảo cao. Doanh nghiệp cũng sở hữu kho kim cương viên lớn nhất Việt Nam. Từng viên đá được tuyển chọn về trọng lượng, độ tinh khiết, màu sắc, giác cắt, đảm bảo đạt kiểm định chất lượng quốc tế IGI, GIA...

Sau này, khi cho ra mắt trung tâm Ruby Plaza tại Hà Nội và Viện Ngọc học - Trang sức DOJI (DOJI Lab) ông cho biết cũng không đặt nặng việc sinh lời.

"Ngọc bất trác bất thành khí" (ngọc mà không qua đẽo gọt thì không thành đồ quý). Không qua chọn lựa thì không thấy đá quý, đá quý đẽo gọt mới thành ngọc, ngọc gia công mài dũa mới thành vật thiêng quý. Tôi muốn từng công đoạn phải được chăm chút, như vậy nguồn tài nguyên quý của Việt Nam mới không bị thu mua thô với mức giá rẻ. Người nước ngoài có đá quý đẹp và đắt, chúng ta cũng đâu thua kém, quan trọng là trân quý nguồn tài nguyên của mình". 

Chủ tịch Doji
 
 

Khi DOJI kỷ niệm 20 năm thành lập, cũng là lúc ông Đỗ Minh Phú bước sang tuổi 62 và nắm trong tay hai doanh nghiệp lớn ở mảng ngân hàng và bất động sản. Cộng sự cho rằng, ông đã thoả mãn với DOJI và coi đây là tài khoản tiết kiệm cho những đứa con mới. Nhưng doanh nhân tiếp tục vẽ ra một mục tiêu mới: Xây dựng nhà máy chế tác trang sức - thách thức mới cho DOJI và người đứng đầu.

"Đá quý, kim cương thôi chưa đủ, DOJI cần đáp ứng nhu cầu làm đẹp, trưng diện trang sức của thời đại mới. Tôi thấy tiếc nuối khi người Việt phải ra nước ngoài mua trang sức còn doanh nghiệp vẫn quanh quẩn với vàng miếng, trao đi bán lại lấy lợi nhuận nhờ biến động kinh tế".

Phải mất 5 năm để mục tiêu của ông Đỗ Minh Phú thành sự thật. Khoảng thời gian đó ghi dấu người doanh nhân ngoài 60 vẫn đi sớm về muộn như một nhân viên công sở ở tuổi sung mãn nhất. Vừa xây dựng nhà máy, mua dây chuyền chế tác ở nước ngoài về tiếp quản vận hành, ông vừa cùng cộng sự tìm cách sáng tạo những sản phẩm trang sức . Để nhà máy Trang sức DOJI được khánh thành cùng lúc những sản phẩm chất lượng tốt, đa dạng kiểu dáng, mẫu mã ra mắt thị trường.

Nghe ông Đỗ Minh Phú kể về DOJI sẽ không thấy nhiều những con số doanh thu, lợi nhuận, nguồn vốn... nhưng câu chuyện về sản phẩm có thể kéo dài hàng giờ. Với nụ cười đã trở thành thương hiệu tươi vui như trẻ thơ, ông say mê tả tỉ mỉ như một người thợ kim hoàn về lá vàng được ép 3D để tạo độ cứng bóng, âu vàng Phúc Long vừa làm quà tặng, để dự trữ nhưng cũng dùng trưng bày hay công nghệ gia công vàng 9999 tinh khiết, mềm nhưng vẫn cho ra sản phẩm trang sức cứng và có độ tinh xảo cao. 

"Đã qua thời chúng ta dùng bàn tay khéo léo của người thợ, phó mặc chất lượng sản phẩm cho giá trị nguyên của vàng. Cần có dây chuyền công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất hiện đại để cho ra sản phẩm trang sức phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Nhà máy của chúng tôi ra đời sẽ tạo nên sản phẩm trang sức Việt có chất lượng không thua kém các nước tiên tiến".

Trong câu chuyện của ông, DOJI ở tuổi 25 đặt mục tiêu ghi danh trang sức Việt trên bản đồ thế giới, đóng góp cho đất nước, muốn Việt Nam là quốc gia hùng cường và thịnh vượng. Vị chủ tịch Tập đoàn cho rằng: "Người Việt Nam không kém nước ngoài về IQ, EQ, vì vậy không có lý do gì thua kém ở bất kỳ lĩnh vực nào, không có lý do gì không thành con rồng, con hổ. DOJI sẽ phải là thương hiệu Việt hùng mạnh".

Từng đạt rất vô số giải thưởng doanh nhân, từng lọt top 24 doanh nhân xuất sắc Ernst & Young, là doanh nhân Thương mại dịch vụ xuất sắc, doanh nhân tiêu biểu - Cúp Thánh Gióng, hai lần nhận Huân chương lao động hạng Ba, đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì... Song phòng làm việc của ông không có tấm bằng khen hay huân huy chương nào. Thay vào đó chỉ có bức ảnh gia đình cùng rất nhiều cuốn sách. Vị doanh nhân gần 70 tuổi chưa nghĩ tới việc vui thú điền viên và cũng không dành nhiều thời gian ngẫm nghĩ về những thành tựu đã đạt được vì còn mục tiêu phía trước. Những lúc rỗi rãi hiếm hoi, ông thích xem quảng cáo để học cách người ta kể về sản phẩm của doanh nghiệp trong 30 giây. "Còn tôi sẽ cần học cách để kể về các món trang sức hay viên đá quý lớn nhất của DOJI mà không mất tới hàng giờ", ông nói đùa với khách khi nhận ra câu chuyện đã kéo dài đến quá trưa.