Trong buổi tọa đàm "Quản trị năng lượng tổ chức dành cho lãnh đạo", chiều 13/8, ông Alain Goudsmet - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Mentally Fit Global nhấn mạnh quan điểm "con người luôn là số một, trung tâm của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh". Đồng thời, năng lượng là tài sản quý giá với mọi cá nhân, đội ngũ và tổ chức, nhất là trong bối cảnh dịch căng thẳng, ảnh hưởng mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội... Tuy nhiên, áp lực bủa vây liên tục là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến "rò rỉ năng lượng", khiến hiệu suất công việc giảm.
Để phù hợp với tình hình dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa truyền năng lượng, ông Alain Goudsmet cho rằng các cấp lãnh đạo cần linh hoạt, cơ trí, tìm thấy cơ hội từ trong thách thức và khơi dậy ba trụ cột của năng lượng - sức mạnh trí tuệ, thể chất, tinh thần. Hiện Alain Goudsmet còn là huấn luyện viên tinh thần của đội tuyển Olympic Bỉ; huấn luyện viên của lãnh đạo cao cấp toàn cầu ở nhiều tập đoàn đa quốc gia trong danh sách Fortune 500; giảng viên MBA cao cấp tại Insead, HEC Liège, Solvay...
Muốn vững vàng trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, các doanh nghiệp Việt nên thay đổi lối tư duy lãnh đạo, liên tục kích hoạt, thúc đẩy năng lượng của cá nhân, tập thể.
Với cá nhân, người quản lý cần để tâm bốn yếu tố: cho người lao động có tiếng nói, tức được nêu lên ý kiến, đề xuất hay phản bác trong công việc; trao họ quyền tự chủ trong một số tình huống (tuy nhiên cần theo khuôn khổ cho phép của công ty). Lãnh đạo cần phản hồi nhân viên mọi vấn đề một cách tích cực để cùng tiến bộ, chứ không phải chỉ trích, khiến họ thụt lùi. Cuối cùng là cho nhân viên được quyền thất bại (có thể mắc lỗi để rút kinh nghiệm, chịu cải tiến).
Với đội ngũ, team, nhóm... các cấp lãnh đạo cần bỏ lối tư duy ra lệnh, kiểm soát, thay vào chuyển sang phong cách người huấn luyện bằng cách hỏi ý kiến cấp dưới, trao quyền, tạo nguồn cảm hứng, hỗ trợ, gần gũi và động viên nhân sự...
Muốn thúc đẩy năng lượng, khích lệ tinh thần đội nhóm, chủ doanh nghiệp cần phải giải thích rõ lý do không đồng tình, cho họ câu trả lời cụ thể, xác đáng nếu đường hướng hoạt động ấy chưa phù hợp, khó ứng dụng. Đồng thời nên duy trì động thái khen ngợi, tưởng thưởng nhân sự làm việc tốt.
Theo ông Alain Goudsmet, người lãnh đạo giỏi sẽ luôn lường trước những khó khăn, gần gũi, kết nối về mặt cảm xúc với nhân viên.
Đồng quan điểm với ônng Alain Goudsmet, các diễn giả tọa đàm gồm bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ); ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) cũng đề cao yếu tố con người, cho rằng thay đổi phong cách lãnh đạo là điều cần thiết.
Trong đó, bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát - nhận định quản trị năng lượng trong "thời kỳ giông bão" vốn không đơn giản và làm thế nào để lực lượng lao động vẫn giữ vững tinh thần là bài toán khó. Ban lãnh đạo luôn chú trọng yếu tố con người, đổi mới cung cách lãnh đạo, đồng thời truyền tải nhân viên hai yếu tố cốt lõi: không gì là không thể và hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai.
Khi dịch bùng phát lần thứ tư, doanh nghiệp nỗ lực duy trì "3 tại chỗ" - ăn, ở và sản xuất tại nhà máy. Hàng nghìn nhân viên vừa tuân thủ phương án phòng chống Covid-19, vừa góp một phần nhỏ bé cho tổ chức, cộng đồng và đảm bảo cung cấp thức uống tốt cho sức khỏe thời dịch, đáp ứng nhu cầu của hàng triệu bà con.
Bà Trần Uyên Phương khẳng định tập đoàn đang đi đúng hướng, thực hiện sát sao chiến lược đã lên kế hoạch từ trước, đồng thời khích lệ, truyền năng lượng tích cực đến cán bộ nhân viên.
Nhằm đảo bảo phát huy sức mạnh trí tuệ, ban lãnh đạo kích hoạt nhiều chương trình, khuyến khích sự sáng tạo của từng nhân sự. Mọi ý tưởng tăng gia sản xuất hiệu quả thời dịch của các cá nhân, đội nhóm đều được hoan nghênh, tưởng thưởng. Tân Hiệp Phát còn cải tiến quy trình làm việc để phù hợp với tình hình thực tế, áp dụng cho đội ngũ "ba tại chỗ" lẫn nhóm nhân viên "work from home".
Các cấp lãnh đạo cũng liên tục nhắc nhở lực lượng lao động thực hiện quy tắc 5K và thuộc nằm lòng cách thức phòng chống dịch. Bà Trần Uyên Phương chỉ ra những khó khăn mà đội sản xuất gặp phải trong các hoạt động vốn đòi hỏi sự kề vai sát cánh. Bà lấy ví dụ bao đường hàng trăm kg phải có nhiều người mang vác, tuy nhiên, yêu cầu cách xa 2 m là thách thức lớn. Nhân sự khó thoải mái khi trình bày báo cáo kế hoạch qua lớp khẩu trang...
Chặng đường di chuyển của các chuyến hàng từ Bình Dương về TP HCM vốn chỉ mất 30-45 phút, nhưng hiện có thể kéo dài đến một, hai tiếng vì qua quá nhiều chốt chặn. Thách thức ấy các doanh nghiệp đều gặp phải, họ buộc phải thích ứng và linh hoạt điều chỉnh cách quản trị, tiếp thêm năng lượng cho người lao động.
Để thúc đẩy tinh thần nhân viên, doanh nghiệp tổ chức các cuộc thi sáng tác nhạc, gửi những món quà nhỏ cho từng cá nhân... Nhiều nhà máy Tân Hiệp Pháp ở miền trung gửi khẩu trang, những món đồ khô về cho đồng nghiệp ở Bình Dương.
Ngoài ra, tập đoàn còn mở rộng, cải tiến bếp ăn, phục vụ hàng nghìn suất cơm 24/24 mỗi ngày (gồm cả ca đêm). Nhóm đầu bếp, chuyên gia ẩm thực, đội ngũ hậu cần... liên tục bàn bạc để đưa ra thực đơn phù hợp, vừa đảm bảo đủ dưỡng chất, vừa phong phú về mùi vị và tuân thủ quy tắc an toàn thực phẩm.
Trong suốt thời gian "ba tại chỗ", nhiều nhân viên nén nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình để nỗ lực sản xuất, hòa mình với công ty. "Nhiều nhân sự không thể trở về dù có người thân đau ốm, mất vì dịch. Chúng tôi đã cố gắng an ủi, động viên, gần gũi lao động, không để đội ngũ bốc xếp, kho bãi hay bất cứ cá nhân nào cảm thấy mình bị bỏ mặc hay không được quan tâm", bà Uyên Phương nói.
Mấy tháng qua, Tân Hiệp Phát tặng tuyến đầu chống dịch, bệnh viện, khu cách ly... gần một triệu thức uống tốt cho sức khỏe, bù nước, bù khoáng như Trà thanh nhiệt Dr Thanh, Trà xanh không độ, Nước uống vận động Number 1 Active... Tập đoàn phối hợp với Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân Đội và các đoàn thể, tổ chức từ thiện cả nước gửi những phần quà thiết thực đến các tỉnh Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, TP HCM, Long An, Cần Thơ...
Ngoài ra, doanh nghiệp còn hỗ trợ người dân qua các siêu thị 0 đồng tại TP HCM, ngân hàng thực phẩm Foodbank Việt Nam qua chương trình "Nối trọn yêu thương". Các sản phẩm cũng được trao hàng nghìn hộ nghèo, khó khăn qua các tổ chức từ thiện.
Thi Quân