Tôi đã trăn trở khá nhiều khi quyết định viết bài này. Viết hay không và viết như thế nào. Tôi muốn chúng ta cùng suy nghĩ, cùng ngẫm về vai trò của người lãnh đạo. Bởi tôi luôn nghĩ - lãnh đạo là làm gương.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phụng Hà |
Vấn đề này được đặt ra khi cháu tôi mang về cho tôi một tập giấy A4 và mấy cây bút. Cháu tặng tôi để viết lách. Tôi hỏi cháu lấy từ đâu ra. Trẻ con trung học cơ sở lấy tiền đâu ra mua mấy thứ này. Tôi sợ chính cháu tôi ăn cắp ở đâu đó.
Cháu giải thích rằng cháu được bạn cho. Bạn nói rằng cứ dùng đi, hết bạn ấy sẽ cho tiếp. Và rằng cháu tôi muốn cho ai thì cho, bạn ấy có nhiều lắm. “Nhà bạn ấy đầy” - cháu tôi nói vậy. Tôi nghĩ đơn giản rằng nhà bạn này giàu có nên bố mẹ mua nhiều, cho còn dùng thoải mái. Vì giàu có nên chắc họ cũng cho con cái mang đến lớp phát, coi như làm từ thiện, nhất là đối với các bạn nghèo.
Bẵng đi một thời gian cháu tôi lại mang về tập giấy khác. Có cả mấy cái plastic bag (loại phong bì trong suốt, chuyên đựng tài liệu phát trong các hội thảo, các cuộc họp). Lần này thì tôi tò mò hơn và muốn hỏi ra đầu đuôi. Cháu tôi bảo, bố bạn ấy làm lãnh đạo nên lấy ở cơ quan mang về. Cứ dùng thoải mái. À ra thế!
Tôi tìm đến gặp Ngân, người đã luôn cho cháu tôi giấy, bút và bao văn phòng phẩm khác. Vấn đề đã rõ: Bố Ngân làm lãnh đạo của một cơ quan. Ông liên tục bê từ cơ quan mình về đủ thứ: Bút, giấy, văn phòng phẩm, nước khoáng đóng chai, thậm chí cả máy tính (loại tính toán tiền), vở, sổ, áo phông, đồng hồ để bàn, treo tường… Con cái trong gia đình thoải mái dùng. Vợ, con, cháu tha hồ phát và tặng bạn bè.
Bố Ngân là người có học thức. Ông có chức vụ. Ông có nhiều mối quan hệ. Ông có tiền - nhà ông khá giàu có. Tôi không biết gọi những hành động lấy đồ đạc từ cơ quan mình về nhà của ông là gì? Tôi cứ trăn trở mãi! Lợi dụng chức quyền ư? Có gì đâu mà lợi dụng. Tham ô tài sản ư? Mấy cái cặp, vài thùng nước khoáng,… đâu có thể gọi là tham ô. Ăn trộm, ăn cắp ư? Trộm cắp là lấy giấu giếm, lấy để không ai nhìn thấy, không ai biết. Đằng này bố cháu Ngân lấy công khai, lấy đường đường chính chính. Tôi cứ trăn trở bao lâu nay: Hành động và những hành động của bố Ngân gọi là gì?
Quay lại nghĩa của 2 từ ăn cắp và ăn trộm. Tôi vẫn thường hiểu rằng ăn cắp là lấy vụng tiền bạc, đồ đạc của người khác khi người ta vắng mặt. Ví dụ tục ngữ có câu “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Ăn trộm là lấy của người khác một cách lén lút vào lúc đêm hôm hoặc lúc vắng người. Ví dụ chúng ta hay nghe thấy nói “đang nấu bếp dưới nhà có kẻ lẻn vào nhà ăn trộm”, hay “trong lúc cơ quan vắng kẻ trộm vào lấy đi một điện thoại di động và bê mất một thùng bia”…
Hành động của bố Ngân là gì? Phải gọi là gì? Và tôi quyết định gọi là ăn cắp, là trộm cắp. Ăn cắp là vì lấy không được cho phép. Không cơ quan nào cho phép lấy những thứ này!
Tôi biết rằng việc lấy các thứ nêu trên từ cơ quan về nhà là hành động tự nhiên của bố Ngân. Ông không nghĩ gì khi lấy. Ông đơn giản nghĩ rằng mình là sếp mình đâu có cần xin phép ai, rằng mình là sếp ai lại đi hỏi cấp dưới khi lấy mấy thứ này. Mà mấy thứ này có đáng là bao so với tài sản của ông, so với ngôi nhà cả chục tỷ mà ông đang sở hữu. Ông lấy một cách thản nhiên, một cách đàng hoàng.
Tôi tiếc rằng ông đã không hề biết rằng ông đã làm gương cho các đồng nghiệp và cấp dưới. Lãnh đạo luôn là tấm gương. Ông lấy như vậy các đồng nghiệp và cấp dưới của ông nghĩ gì? Họ nghĩ gì về hành động và việc làm của ông. Ông lấy như vậy, các đồng nghiệp và cấp dưới của ông cũng làm theo, cũng học theo. Và rốt cục tất cả mọi người tha hồ lấy của cơ quan mang về nhà dùng và đi cho nữa. Vô hình chung ông đã dạy cho cả cơ quan ông ăn cắp.
Tôi tiếc rằng ông đã không hề biết rằng ông đã dạy cho con ông tính ăn cắp và cách ăn cắp. Và con ông - cháu Ngân cũng như các đứa con khác của ông coi chuyện lấy đồ đạc từ cơ quan là bình thường, là không vi phạm. Và sau này cháu cũng sẽ lấy như vậy. Bố mẹ làm gương cho con cái mà.
Ở nhiều nước chuyện lấy bất cứ thứ gì từ cơ quan được coi là nghiêm trọng. Bất cứ thứ gì, bất cứ ai. Ở nhiều quốc gia, ngay chuyện nhận quà tặng mà trên một giá trị nhất định phải nộp lại cơ quan. Tôi được biết con số 50 USD là được áp dụng khá nhiều. Nếu món quà được tặng có giá trị trên 50 USD người được nhận tự động nộp vào cho cơ quan. Nếu không - anh đã vi phạm.
Giám đốc là tấm gương. Lãnh đạo là người thầy. Thầy làm trò sẽ theo. Cha mẹ cũng vậy. Khi gõ những dòng chữ này tôi nhớ và luôn nhớ đến câu nói quen thuộc “Teaching by being”, tức dạy bằng cách làm gương.
Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books
Bài viết cùng tác giả ( Xem tại đây)