Trao đổi tại buổi tọa đàm “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước", Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Hoàng Nguyên Học cho biết, việc quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa đang gặp nhiều vấn đề.
SCIC tiếp nhận vốn từ hơn 950 doanh nghiệp nhưng đến 80% là quy mô nhỏ và kinh doanh không hiệu quả, vẫn còn những tồn tại tài chính phải xử lý tiếp.
Theo ông, hiệu quả thấp xuất phát từ chính lợi ích cá nhân của người lãnh đạo. Cụ thể, ngay từ khâu xây dựng phương án cổ phần hóa, có những doanh nghiệp Nhà nước không cần giữ vốn những cuối cùng vẫn nắm giữ, hoặc không cần nắm cổ phần chi phối thì vẫn để Nhà nước giữ 70-80%.
"Việc này đi ngược lại với quá trình cải cách doanh nghiệp, bởi thay vì bán vốn hoặc chỉ giữ lại một phần nhỏ thì doanh nghiệp lại giữ vốn để tạo công việc cho người lãnh đạo", lãnh đạo SCIC phát biểu.
Nhiều doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Ản minh họa: Báo Công lý |
Ngoài ra, việc xử lý phạm vi, quyền hạn của lãnh đạo doanh nghiệp sau cổ phần hóa không được giải quyết triệt để. Ông Học chia sẻ, một số đơn vị xảy ra tình trạng sắp xếp lãnh đạo dựa theo “tình hình”. Doanh nghiệp có giám đốc chuẩn bị về hưu thì sẽ cổ phần hóa triệt để hơn, nhưng nếu ban lãnh đạo còn trẻ thì bằng mọi cách giữ lại để làm người đại diện, kể cả doanh nghiệp đó thuộc đối tượng không cần Nhà nước nắm giữ vốn.
Hiện SCIC còn 400 người đại diện vốn, không phải là cán bộ của tổng công ty mà là kế thừa từ các bộ, địa phương trước đây. Sau khi cổ phần hóa, SCIC phải bố trí việc làm cho 400 người này, ông Học nêu khó khăn.
Chất lượng nguồn nhân lực quản lý thấp cũng đang trở thành nút thắt với tăng trưởng kinh tế, theo nhận định của Tiến sĩ Phạm Hồng Chương (Đại học Kinh tế Quốc dân). Ông cho hay, cơ chế tuyển dụng, sử dụng và đề bạt mang nặng tính hành chính và thiếu một thị trường lao động quản lý cấp cao gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn nhân lực quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước.
“Cơ chế quản lý cũ tạo nên nhiều cán bộ quản lý có kiến thức và kỹ năng chuyên môn hạn chế, khiến hoạt động và kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài như trường hợp Vinashin và Vinalines”, vị này bày tỏ.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương cho rằng có hiện tượng "dòng nước ngược" khi điều động cán bộ quản lý Nhà nước về quản lý các doanh nghiệp. "Thông thường cán bộ quản lý doanh nghiệp sẽ được cất nhắc vào các vị trí trong bộ máy quản lý Nhà nước nhằm tăng cường tính năng động, phá vỡ tính ỳ, nhưng nếu làm ngược lại sẽ rất khó có hiệu quả", ông nhận xét.
Trước vấn đề trên, vị chuyên gia này kiến nghị cần phải xây dựng bộ tiêu chuẩn khung về chất lượng cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các tiêu chuẩn về trình độ được đào tạo, tiêu chuẩn về kinh nghiệm công tác, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn về độ tuổi và sức khỏe và các tiêu chuẩn hỗ trợ khác. Ngoài ra cần cải tiến công tác tuyển dụng, đánh giá và đề bạt cán bộ, hoàn thiện chính sách đãi ngộ và tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm toán cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng cần có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước. “Doanh nghiệp Nhà nước ngoài nhiệm vụ kinh doanh còn phải thực hiện nghĩa vụ công ích, chính trị, nhưng đã là doanh nghiệp thì phải kinh doanh có hiệu quả, do đó cần bộ tiêu chí riêng để đánh giá. Chính điều này sẽ tạo nên sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước”, ông nhấn mạnh.
Liên quan tới việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, vị Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nhận định khi thị trường chứng khoán đang ảm đạm thì thoái vốn đầu tư ngoài ngành mà vẫn bảo toàn được vốn là rất khó. Do vậy, ông cho rằng nên có phương án linh hoạt hơn, ví dụ lúc này có thể thoái vốn thấp hơn giá trị sổ sách, sau đó dùng ngay tiền đó đầu tư vào thương vụ có lợi hơn, hoặc thay vì để lỗ triền miên thì nên cắt lỗ sớm.
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho hay, dù các doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ những nguồn lực và sản phẩm chiến lược quan trọng của nền kinh tế nhưng kết quả kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số doanh nghiệp Nhà nước còn lỗ triền miên, nặng nề, như năm 2012 lỗ phát sinh là 2.253 tỷ đồng. Sang năm 2013, dù doanh nghiệp Nhà nước dự kiến tổng vốn đầu tư tăng 32% nhưng kế hoạch doanh thu lợi nhuận lại thấp hơn 2012.
Huyền Thư